Thursday, July 11, 2013

Việt Nam, biển Đông chiếm chỗ nào trong Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung?


Việt Nam, biển Đông chiếm chỗ nào trong Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung?

Việt-Long, RFA 
2013-07-11
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
china-fleet
Hạm đội Trung Quốc trên biển Đông
pic-chinamil.com photo
Sáng thứ tư, 9 tháng 7, tại Washington hai phái đoàn cao cấp nhất của Hoa Kỳ-Trung Quốc họp hội nghị đối thoại song phương về chiến lược và kinh tế. Nghị trình bao gồm các đề tài an ninh mạng, kinh tế, thương mại và quốc phòng.

Vấn đề hacker Trung Quốc

Lập trường hai bên ra sao trong vấn đề an ninh mạng, sau khi Edward Snowden sang Hồng Kông tố cáo Washington do thám điện thoại, internet ở Hoa Kỳ và xâm nhập mạng của Trung Quốc cùng nhiều nước khác?
dialogue
Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong hội nghị Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung, 9 tháng 6, 2013 - White House document
Một cuộc thảo luận bàn tròn của chương trình này đã nói rằng sự tiết lộ của Edward Snowden đã đem tới cho Trung Quốc một món quà và là vũ khí quý báu để phản công những chỉ trích của Hoa Kỳ về vụ hacker Trung Quốc đánh cắp những tài liệu thiết kế nhiều sản phẩm kỹ nghệ cao cấp, đặc biệt là cả những vũ khí tối tân và lợi hại nhất của Mỹ.
Tuy nhiên sau hội nghị thượng đỉnh với chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Barrack Obama đã lên truyền hình trả lời phỏng vấn, nói rằng qua hội nghị thượng đỉnh ông nhận thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc có đức tính khiêm cung hơn nhưng lại nắm giữ quyền hành trong nước chắc chắn hơn những người tiền nhiệm, và họ Tập chịu lắng nghe luận điểm của đối tác Hoa Kỳ. Ông Obama cho biết ông đã nhấn mạnh vấn đề an ninh và hành động xâm nhập mạng của hackers Trung Quốc để đánh cắp những sản phẩm trí tuệ quý giá nhất, một hành động mà Tổng thống Obama nói là sẽ tiêu huỷ những sáng tạo công nghiệp, là trọng tâm của sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama tiết lộ rằng trong những giờ phút đàm đạo riêng giữa hai nhà lãnh đạo, ông họ Tập tỏ ra hiểu rằng phía Trung Quốc cần phải làm gì và chỉ tiến tới giới hạn nào thôi.

Còn hacker Hoa Kỳ?

Sau vụ bị Pháp và Đức phản đối cũng vì chuyện xâm nhập internet, Tổng thống Mỹ từng nói đó là việc mà tình báo nước nào cũng làm, và chỉ hạn chế ở một mức độ nào đó mà thôi, không so được với việc đánh cắp sản phẩm trí tuệ như Trung Quốc đã làm với Mỹ, vì đó là điều quá đáng, không thể chấp nhận.
Hội nghị đối thoại chiến lược không phải là lúc hai nước lớn đem vấn đề an ninh mạng ra để chỉ trích, cãi vã với nhau như ta thấy truyền thông Trung Quốc đã làm. Hai bên sẽ thảo luận nghiêm chỉnh với tư thế của những nước lớn nói chuyện cộng tác chiến lược.
Trung Quốc sẽ làm được điều này. Lần đối thoại chiến lược kỳ trước ở Bắc Kinh đã bị phủ mây mờ vì vụ người bất đồng chính kiến khiếm thị Trần Quang Thành trốn vào toà đại sứ Mỹ, trong lúc tranh cãi giữa viên chức ngoại giao hai bên diễn ra rất gay gắt. Nhưng hội nghị đối thoại không bị ảnh hưởng. Các cấp dưới ở bên ngoài tìm cách giải quyết êm thắm bằng sự nhượng bộ đáng kể và thuận lý của Bắc Kinh. Hội nghị chỉ bàn thảo những vấn đề chiến lược, không hề nói một lời đến sự kiện gạy nhiều tai tiếng ấy.
Điều này chứng tỏ Trung Quốc đã biết nhắm tới mục tiêu chiến lược của công cuộc hợp tác, bỏ qua những sự kiện có bề ngoài to lớn, ồn ào nhưng không phải là việc quốc gia chính yếu của hai bên.
Lần hội nghị này, các viên chức Hoa Kỳ xác định rằng hai việc liên quan đến an ninh mạng từ hai phía là hai chuyện khác nhau.  Mỹ sẽ không để cho chuyện Hoa Kỳ do thám và xâm nhập mạng bị đem ra để phản công giúp cho chuyện Trung Quốc đánh cắp sản phẩm trí tuệ và thiết kế vũ khí của Hoa Kỳ.
summit
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung 2013 tại Califonia -Sreen caption
Vấn đề được chú trọng tiếp theo trong hội nghị là thương mại, và tiền tệ. Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc mở rộng thị trường cho giới đầu tư Hoa Kỳ và ấn định lại tỷ giá đồng nhân dân tệ để Washington không thiệt thòi trong công cuộc thương mại với Trung Quốc. Tổng trưởng tài chính Hoa Kỳ Jack Lew có trong phái đoàn Hoa Kỳ chứng tỏ hai bên sẽ bàn thảo về tiền tệ, môt vấn đề nhức óc cho Mỹ từ lâu nay. Trung Quốc cũng sẽ nêu vấn đề Mỹ áp thuế chống phá giá cho nhiều sản phẩm của họ, nhưng đó không phải là đề tài lớn và gay go như những việc trước, trong nghị trình.

Thế liên lập, với những nan đề gai góc

Rõ ràng người ta thấy càng ngày hai bên Mỹ-Trung càng cần đến nhau trong thế liên lập, không thể đối lập, theo sách lược 'cộng đồng đồng tiến'. Sách lược này được Hoa Kỳ quảng bá và áp dụng rộng rãi cho cả đồng minh lẫn các nước thua trận từ sau thế chiến thứ hai. Ngày nay người Mỹ vẫn áp dụng và khai triển nó sang cả những nước thù nghịch trước đây, thuộc khối Cộng Sản. Trong bối cảnh phải dựa vào nhau để cùng phát triển thì vấn đề quốc phòng, nhất là ở châu Á, từng gây mâu thuẫn, sẽ được quyết định ra sao?
Vấn đề nhiều gai góc giữa Washington với Bắc Kinh về an ninh quốc phòng ở châu Á vẫn là biển Đông và biển Hoa Đông.
Trên bề mặt ngoại giao, hai bên đều tuyên bố những lời hoà dịu và hợp tác. Tổng thống Obama từng nói ở hội nghị thượng đỉnh California rằng sự phát triển của Trung Quốc cũng là lợi ích của Mỹ; một nước Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định không chỉ đem lại lợi ích cho chính họ mà còn cho cả Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc thì nói không gian Thái Bình Dương đủ rộng lớn cho cả hai nước Mỹ Hoa cùng cùng khai thác để cùng phát triển.
Trong hội nghị đối thoại chiến lược lần này dường như vấn đề biển Đông và biển Hoa đông không được giành đủ thời gian thảo luận,vì những vấn đề khác quan trọng hơn nhiều đối với cả hai bên. Việc liên quan đến quốc phòng của châu Á Thái Bình Dương phải được hai bên giải quyết êm thắm, trong khi phải kềm chế những hành vi cứng rắn bộc phát giữa những mâu thuẫn quyền lợi liên quan đến lãnh hải mà chưa đạt được đồng thuận hoàn toàn. Dù có nói năng dịu ngọt đến đâu, Mỹ vẫn tăng cường lực lượng cho hải quân Singapore, Malaysia là để giữ chặt quyền kiểm soát thuỷ lộ eo biển Malacca, con đường sinh tử của Trung Quốc mà 50% số tàu đi qua là của Bắc Kinh.
Giới lãnh đạo ngoại giao, quốc phòng  của Hoa Kỳ đã không ít lần trấn an các quốc gia châu Á bằng cách nhắc đi nhắc lại chính sách châu Á của Washington, bằng những chuyến thăm viếng qua lại trong nhiều năm gần đây.
Vậy giữa những lời hoa mỹ của hai nhà lãnh đạo, chiến lược chuyển trục chiến lược về châu Á của Mỹ sẽ đi về đâu?
Hoa Kỳ không bao giờ có thể hoạch định và nhiều lần khẳng định một chiến lược quốc phòng, kinh tế hoàn thành vào tận năm 2020, mà chỉ để cho 60% lực lượng quân sự và các hạm đội hàng đầu của thế giới chạy biểu diễn chơi ở biển Đông, ở Thái Bình Dương, để nhìn Trung Quốc lấn lướt hết đảo này đến quần đảo nọ ở Đông Á và Đông Nam Á.
Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc sẽ hết sức tránh chiến tranh nóng với nhau, nhưng Trung Quốc cũng không thể từ bỏ tham vọng đại dương, trong khi Hoa Kỳ nhất quyết giữ chặt ảnh hưởng ở châu Á . Hai bên phải tìm ra một chính sách chung hầu có thể cùng phát triển, trong khi Hoa Kỳ làm nhiệm vụ một chiếc dù về an ninh để ngăn đe Trung Quốc có những hành động quân sự thô bạo trong vấn đề lãnh hải, lãnh thổ và khai thác các vùng biển xung quanh họ.

Việt Nam: đầu sóng ngọn gió

Giữa những khó khăn kinh tế và chính trị nội bộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc có thể tìm cách gây sự với các nước xung quanh để trong nước chú ý ra bên ngoài, đoàn kết lại nội bộ hầu đối phó với đủ loại 'âm mưu' mà Bắc Kinh có thể nghĩ ra.
Vì vậy công việc của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản vẫn là phải có khả năng quốc phòng mạnh mẽ, đủ sức phòng thủ và đối phó đầu tiên nếu Trung Quốc ra mặt bành trướng bằng quân sự.
Vì thế tất cả các nước Đông Nam Á đều đang vội tăng cường võ trang, tăng cường binh lực, hiện đại hoá quân sự, y như một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng không phải đua với nhau mà là đua nhau đề phòng Trung Quốc.
Dù phải khiêm nhường và chiều luỵ cách nào với Trung Quốc, có ký kết tới đâu với Bắc Kinh, không bao lâu nữa Việt Nam sẽ phải có biện pháp quốc phòng mạnh mẽ hơn ở biển Đông, phải chống lại cho bằng được những vụ ức hiếp từ nhỏ đến lớn, như mới xảy ra gần nhất là vụ là tàu cá Quảng Ngãi bị đuổi bắt, cướp phá, đánh đập ở Hoàng Sa.
panetta
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta thăm Việt Nam, tháng 6, 2012 - businessinsider.com photo
Người Việt, chính quyền cũng như người dân, ai ai cũng hiểu thế nào là sách lược 'tằm ăn dâu' của Trung Quốc, ngày nay họ gọi là "gặm nhấm" bằng quân sự kết hợp với áp lực kinh tế, để chiếm từng hòn đá, từng bãi cạn, từng đảo nọ rồi sang quần đảo kia, cùng lúc vây rào chắc chắn lấy phần lãnh thổ lãnh hải đã xâm chiếm bằng lực lượng hải quân đang vùn vụt phát triển để đối đầu với các hạm đội Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ...
Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược sang châu Á để đối phó với ai, nếu không phải là để kềm chế tham vọng của Trung Quốc nhất quyết chiếm trọn biển Đông cùng các vị trí địa chính trị và thị trường Đông Nam Á và châu Á của Hoa Kỳ? Không có sức mạnh quân sự hỗ trợ thì cũng không thể tạo dựng vững chắc thế liên lập với cường quốc khác, là khuynh hướng của thế giới trong thời đại ngày nay.
Dấu hỏi lớn cho Việt Nam không còn là liệu Trung Quốc có lấn chiếm và áp chế để khuất phục về chính trị, quốc phòng, kinh tế hay không, mà là liệu mình có đủ sức mạnh chính trị, kinh tế, quốc phòng, và các cường quốc khác có sẵn lòng giúp mình chống lại nước láng giềng với mối bang giao '16 chữ vàng', chống lại nước đàn anh từng cung cấp đến mỗi hạt gạo, mỗi cây kim sợi chỉ để Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 'kháng chiến chống Mỹ vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho toàn thế giới'.

No comments:

Post a Comment