VN lập lữ đoàn không quân hải quân
Cập nhật: 09:53 GMT - thứ năm, 4 tháng 7, 2013
Báo Việt Nam đưa tin Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa tổ chức lễ bàn giao Lữ đoàn Không quân 954 về quân chủng hải quân hôm 3/7 tại Đà Nẵng.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Báo Quân đội Nhân dân cho biết ngày 22/5, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã ký quyết định về việc tổ chức lại Trung đoàn Không quân 954 thành Lữ đoàn Không quân 954.
Cũng tờ này cho biết nhiệm vụ chính của lữ đoàn này bao gồm "tác chiến săn ngầm; vận tải quân sự; trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước, tìm kiếm cứu nạn trên biển."
Trung đoàn Không quân 954 từng thuộc biên chế Sư đoàn 372 đóng tại Đà Nẵng.
Bên cạnh việc bàn giao Lữ đoàn 954, Bộ quốc phòng Việt Nam cũng công bố việc thành lập Trung đoàn trực thăng 930.
Phi đội săn ngầm duy nhất
Hồi tháng Sáu, báo Tuổi Trẻ cho biết trung đoàn 954 là đơn vị không quân duy nhất có trang bị loại trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28.
Trang Kienthuc.net dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI) nói năm 1988 Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 8 chiếc Kamov Ka-28 và bàn giao toàn bộ số máy bay này trong hai năm 1989 - 1990.
Điểm đặc biệt của loại trực thăng này, là cơ cấu hai cánh quạt nâng quay ngược chiều nhau, giúp giảm tiếng ồn và hoạt động trọng mọi điều kiện thời tiết.
Hai động cơ Isotov TV3-117V cũng cho phép Ka-28 đạt tốc độ tối đa 270 km/h và tầm bay 980 km.
Loại trực thăng này được trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vi thủy âm và các loại ngư lôi chống ngầm tầm ngắn và bom.
Cũng trang này cho biết hiện nay, hai tàu hộ vệ tàng hình lớp Gepard mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mà Việt Nam đã nhận vào năm 2011 có bãi đáp đủ điều kiện dành cho Ka-28.
Khi hoạt động cùng các tàu này, Ka-28 sẽ đóng vai trò săn ngầm để bảo vệ hạm đội.
Tiêu chuẩn cao
Trung tá Hoàng Mạnh Hải, chủ nhiệm chính trị của trung đoàn 954 được Tuổi Trẻ dẫn lời trong bài hồi tháng Sáu nói một phi công muốn được tập huấn với chiếc Ka-28 phải có ít nhất 300 giờ bay trên những loại máy bay khác như chiếc Mi8.
Ông Hải cũng nói phải mất hai đến ba năm đào tạo thì phi công mới thành thạo kỹ năng phát hiện ra tàu ngầm.
Một nhận xét khác của Thượng úy Chu Văn Dương, một trong các phi công lái Ka-28 của lữ đoàn 954 nói việc sử dụng Ka-28 để phát hiện tàu ngầm cũng đòi hỏi những thao tác chính xác.
“Cái khó của bài bay là khi phát hiện tàu ngầm nằm ở vị trí X, phi công phải tính toán làm sao để máy bay hạ cánh xuống trong bán kính 5-10km để nghe được tín hiệu tàu ngầm," ông Dương nói.
"Nếu xuống xa quá hoặc lệch trái, lệch phải so với vị trí X thì sẽ không thu được tín hiệu tàu ngầm”.
No comments:
Post a Comment