Thursday, June 27, 2013

TQ lập cơ sở thủy sản ở Biển Đông

Cập nhật: 04:42 GMT - thứ sáu, 28 tháng 6, 2013
Ngư dân Trung Quốc
Ngư dân Trung Quốc
Trung Quốc vừa loan báo việc mở cơ sở nuôi trồng và nghiên cứu thủy sản ở Trung Sa thuộc Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời báo cho hay cơ sở thủy hải sản này được thành lập hôm thứ Năm 27/6 tại "vùng biển Trung Sa thuộc tỉnh Hải Nam, cực nam Trung Quốc".
Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là ba quần đảo thuộc Biển Đông mà Trung Quốc đặt trong sự quản lý hành chính của 'thành phố Tam Sa', thành lập hồi tháng 7/2012.
Cơ sở nuôi trồng thủy hải sản này là chương trình khoa học đầu tiên ở địa phương kể từ khi Tam Sa được thành lập, theo Hoàn Cầu Thời báo.
Vị trí của nó nằm tại khu vực bãi cạn Mạn Bộ (tiếng Anh là Walker shoal) thuộc Trung Sa, trong diện tích chừng 625 ha.
Tại đây, các khoa học gia Trung Quốc sẽ nuôi trồng và nghiên cứu cá tôm, bào ngư, trai lấy ngọc và tảo.
Ngoài ra, họ cũng nghiên cứu về điều kiện thời tiết, địa lý, hàng hải và các rạn san hô dưới nước.
Việt Nam không tuyên bố chủ quyền với Trung Sa, nhưng Trung Quốc đã gặp phản ứng của quốc tế khi tuyên bố rằng bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) cũng nằm trong Trung Sa vì bãi cạn này được Philippines coi thuộc chủ quyền của mình.
Năm ngoái, khi Trung Quốc thông báo về thành lập Tam Sa, Việt Nam lên tiếng phản đối vì đơn vị hành chính này bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Nay Trung Quốc đã chuyển khoảng 1.000 dân sinh sống tại 'thành phố' này.

Kiểm soát nghiêm nghề cá

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 25/6, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã công bố một số ý kiến về thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá biển.
Nhân dân Nhật báo cho hay đề xuất chính của Chính phủ Trung Quốc là sẽ kiểm soát nghiêm ngặt cường độ đánh bắt cá trên vùng biển gần bờ.
Văn bản liệt kê các ý kiến này chỉ rõ, "đến năm 2015, sản lượng hải sản của Trung Quốc sẽ giữ ổn định ở mức khoảng 30 triệu tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ở mức khoảng 2 triệu 200 nghìn ha.
"Nhằm thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tăng cường bảo vệ tài nguyên nghề cá và môi trường sinh thái biển, cứ 5 năm triển khai một cuộc điều tra toàn diện về nguồn tài nguyên nghề cá, đồng thời thực hiện nghiêm khắc chế độ cấm đánh bắt cá trên biển, kiểm soát nghiêm ngặt cường độ đánh bắt cá trên vùng biển gần bờ".
Mỗi năm một lần Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Việt Nam và các nước lân cận nói quyết định này gây khó khăn cho ngư dân của họ, mà họ nói là đã bị đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống.

No comments:

Post a Comment