Monday, June 17, 2013

Trung Quốc xua tàu vũ trang xuống biển Đông

Trung Quốc biến tàu hải giám, ngư chính thành tàu cảnh sát biển và trang bị vũ khí để đưa đến tuần tra ở biển Đông.

Ngày 16.6, Tân Hoa xã đưa tin nhiều tàu hải cảnh (tức cảnh sát biển) mang “vũ khí tự vệ” vừa xuất phát từ cảng Chu Giang, tỉnh Quảng Đông để tham gia đợt tuần tra mới ở biển Đông. Thực chất đây là những tàu hải giám và ngư chính đổi tên thành tàu hải cảnh và được sơn lại màu trắng. Cụ thể, 2 tàu Ngư chính 310 và 302 đổi thành Hải cảnh 3210 và 3102, còn 3 tàu Hải giám 167, 168 và 169 lần lượt mang tên Hải cảnh 3367, 3368 và 3369, theo Quảng Châu nhật báo.

Tàu Ngư chính 302 được đổi tên thành Hải cảnh 3102 - Ảnh: Fyjs.cn
 
Động thái này nằm trong kế hoạch của Trung Quốc hợp nhất 4 lực lượng “chấp pháp trên biển” thành Cục Hải cảnh Trung Quốc (MPB) được quốc hội nước này thông qua hồi tháng 3. Cụ thể, MPB sẽ bao gồm hải giám trước đây thuộc Cục Hải dương quốc gia, ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp, lực lượng tuần duyên của Bộ Công an và lực lượng chống buôn lậu trên biển thuộc Tổng cục Hải quan. Tân Hoa xã dẫn lời Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Mã Khải tuyên bố quyết định này nhằm tăng cường việc thực thi luật biển và “bảo vệ nguồn tài nguyên, chủ quyền” của Trung Quốc trên biển Đông. Thực chất, lâu nay các lực lượng chấp pháp trên biển của Bắc Kinh, nhất là hải giám và ngư chính, là nguồn cơn gây căng thẳng và quan ngại với các hành vi tuần tra phi pháp tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, quấy rối thậm chí bắt bớ tàu thuyền, ngư dân các nước hoạt động hợp pháp trên biển Đông.
Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc nói sau khi gia nhập MPB, các tàu công vụ sẽ trang bị vũ khí để “tự vệ và tăng cường khả năng chấp pháp”. Trên thực tế, lâu nay nhiều diễn đàn mạng Trung Quốc đã trưng ra hình ảnh cho thấy nhiều tàu công vụ mang danh dân sự như Ngư chính 310, Ngư chính 311, Ngư chính 44601… đều có súng cỡ nòng lớn. Bắc Kinh còn phát triển tàu ngư chính, hải giám theo hướng sẵn sàng đáp ứng khả năng tác chiến. Bằng chứng là Ngư chính 310 và 311 có bãi đáp trực thăng lớn kèm kho chứa 2 trực thăng Z-9, theo trang Sinodefence.com. Dù là lực lượng bán vũ trang nhưng Hải cảnh Trung Quốc cũng đang được bổ sung những loại tàu chiến vũ trang hạng nặng. Theo một nghiên cứu của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, Trung Quốc đang tăng cường lớp tàu 718 có vũ khí dành riêng cho hải cảnh.
Hiện nay, căng thẳng đang dâng cao giữa Trung Quốc và nhiều nước khác do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và Hoa Đông. Philippines liên tục cáo buộc nước này đưa tàu công vụ đến các khu vực Manila tuyên bố chủ quyền, nhất là bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - NV) và bãi cạn Scarborough. Tờ Inquirer đưa tin USP4GG, một tổ chức của người Philippines tại Mỹ dự kiến biểu tình trước trụ sở LHQ tại New York vào ngày 24.7 để phản đối việc Trung Quốc xâm nhập bãi Cỏ Mây. Đại diện USP4GG nhấn mạnh: “Trung Quốc chiếm bãi Mischief (tức bãi Vành Khăn thuộc Trường Sa) vào năm 1994, rồi tới bãi Scarborough vào năm ngoái. Trong năm nay, Trung Quốc định xâm nhập và chiếm bãi Ayungin (Cỏ Mây). Chúng tôi kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc”. USP4GG lý giải sở dĩ chọn biểu tình vào ngày 24.7 vì đây là thời điểm đánh dấu một năm ngày Trung Quốc đơn phương thành lập “thành phố Tam Sa” phi pháp để tự cho mình quyền quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Đài Loan, Philippines cam kết không vũ lực
Theo CNA ngày 16.6, giới chức Đài Loan và Philippines đã nhất trí không dùng vũ lực trong các vùng tranh chấp đánh bắt trên biển Đông. Cụ thể, hai bên đồng ý cùng lập cơ chế hợp tác trong việc chấp pháp ở vùng biển chồng lấn, bên này sẽ thông báo cho bên kia trong trường hợp xảy ra sự cố và bảo đảm không sử dụng vũ lực. Thỏa thuận trên nhằm tránh lặp lại vụ nhân viên tuần duyên Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan hồi tháng 5. Dự kiến, hai bên sẽ họp vào đầu tháng tới tại Đài Bắc để tiếp tục đàm phán về hoạt động đánh bắt trong vùng biển chồng lấn.
Minh Trung
Văn Khoa

No comments:

Post a Comment