Friday, January 18, 2013

39 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa


39 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa(23:17 | 18-01-2013)

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời. Do hai quần đảo này nằm ở vị trí chiến lược trọng yếu trên biển Đông, đồng thời lại là nơi có tiềm năng to lớn về tài nguyên, đặc biệt là dầu lửa, nên từ thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI nhiều nước đã và đang tìm mọi cách xâm chiếm.


Qua nghiên cứu các tài liệu được tìm thấy trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể khẳng định rằng từ thế kỷ 17: Nhà nước Việt Nam là người đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và tiến hành quản lý, khai thác với danh nghĩa Nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào trước đó; việc chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thực sự liên tục và hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế đương thời và hiện đại.

Việt Nam đã củng cố sự chiếm hữu và xác lập chủ quyền của mình thông qua các hoạt động quản lý và khai thác thực tế: Việc tổ chức các đội Hoàng Sa để tiến hành khai thác với tư cách Nhà nước, đội Hoàng Sa sau này được tăng cường thêm đội Bắc Hải để khai thác các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, được duy trì và hoạt động liên tục từ thời các chúa Nguyễn đến nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn sau đó.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Phần lãnh thổ phía Nam Việt Nam từ Vĩ tuyến 17 (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) trở vào tạm thời được đặt dưới sự quản lý của các chính quyền miền Nam Việt Nam.

Năm 1956, khi rút quân khỏi Việt Nam, Pháp đã chuyển giao sự quản lý phần lãnh thổ phía Nam Việt Nam cho chính quyền Sài Gòn. Theo đó, chính quyền Sài Gòn đã tổ chức việc đưa quân ra tiếp quản hai quần đảo, đồng thời tổ chức lại về mặt hành chính, coi mỗi quần đảo là một xã thuộc một huyện trong đất liền, cho xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng và đăng ký chúng vào danh mục các trạm của Tổ chức khí tượng thế giới (OMM), cho một số nhà kinh doanh ra khai thác phân chim ở Hoàng Sa đồng thời liên tục cử các nhà khoa học ra hai quần đảo nghiên cứu.

Lợi dụng sự xáo trộn về chính trị vào năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương và năm 1974 khi chính quyền Sài Gòn đang nguy cấp, Trung Quốc đã dùng vũ lực lần lượt chiếm đóng phần phía Đông (1956) và sau đó là phần phía Tây quần đảo (1974), xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối và đã thông báo cho các nước và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về sự kiện này.

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, đất nước Việt Nam nối liền một dải từ Bắc chí Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tiếp quản tất cả những phần lãnh thổ do chính quyền miền Nam quản lý, tiếp tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, từ thực tế lịch sử và căn cứ vào các nguyên tắc, tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, chúng ta có thể khẳng định rõ ràng rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từ lâu và luôn luôn là lãnh thổ của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo đó từ khi chúng chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào.

Việc quân đội Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, là hành động xâm lược ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày quân đội Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa trong trận hải chiến ngày 19/1/1974, chúng tôi xin giới thiệu Bộ phim Tài liệu do những nhà làm phim ở miền Nam Việt Nam thực hiện chưa đầy 1 tháng ngay sau sự kiện này.

No comments:

Post a Comment