San José ngày 19 tháng 1 năm 1989
Cùng các bạn đồng-đội "Hoàng-Sa" thân ái,
Đã 15 năm qua đi kể từ khi chúng ta cùng dưới danh-nghĩa con
dân Việt-Nam, sát cánh bên nhau chiến-đấu bảo-vệ Hoàng-Sa.
Chúng ta, kẻ ngậm ngùi phiêu-bạt xứ lạ, người đắng cay kẹt lại
quê nhà, khó mà có dịp gặp lại đầy đủ như xưa. Vậy mà niềm nhớ lạ thay vẫn còn
giống nhau, vẫn ở đó và cuốn hút theo nhiều cơn ác mộng trong những giấc ngủ chập
chờn... Chiến-hạm xem ra rất uy-dũng mà sao phất phơ như không thể lèo lái, lết
trên bãi nửa cát, nửa san-hô, leo lên hoang-đảo nào đâu đó...
Con tàu sét rỉ ấy không biết có được bình-thản đi hết cuộc đời
hay không[1], nhưng nếu cứ
như trong tình-trạng những năm qua, tiếp-tục mang một cái danh định-mệnh là
"Đại-Kỳ" mà được cải-biến vớ vẩn, tân-trang sơ sài, tu-bổ sửa chữa đại-khái;
hết vào ụ, lại đến cặp cầu, nằm bến... thì cũng đã yên một bề. Các bạn và tôi,
chúng ta không được cái diễm-phúc này, vẫn có nhiều điều áy náy không yên !
Quần-đảo Hoàng-Sa phần Đông-Bắc có đảo Phú-Lâm đã mất cho
Trung-Hoa 40 năm trước đây, phần Đông-Nam còn lại nhóm Trăng-Khuyết có đảo
Hoàng-Sa bị cưỡng chiếm trọn sau ngày 19-1-1974.
Khu-vực lãnh-hải trên biển lọt vào tay quân xâm-lăng gần
tương đương với tất cả phần lãnh-thổ trên đất hồi đó của VNCH. Tài nguyên không
phải ít ỏi gì.
Hai mươi năm sau, một trăm hay nhiều ngàn năm sau nữa, người
Việt và hậu-sinh vẫn không hiểu hay hình-dung được thế nào mà Hoàng-Sa đã mất.
Anh em chúng ta ngẫu-nhiên ở đó, có hoạt-động, có tham-dự; và hoàn-cảnh chung
quanh ảnh-hưởng nhiều ít... để trách-vụ giao-phó cho các đơn-vị chúng ta đã
không thành-tựu. Năm tháng qua mau, soi mòn ký-ức nếu như cứ lần lữa không ghi
chép lại thì tất cả sự thật lịch-sử sẽ chìm sâu trong đáy sâu thăm-thẳm thời-gian.
Chưa có một tài-liệu, sách truyện nào viết đủ chi-tiết về biến-cố
Hoàng-Sa. Việt-sử sẽ không đầy đủ nếu như còn để một khoảng trống cho trận Hải-chiến
đầu tiên ngoài biển lớn này. Thực sự mà nói, kể từ khi lập-quốc, chúng ta nhiều
lần giang-chiến và đôi lần duyên-chiến cách bờ vài ba hải-lý, nhưng thực xứng-danh
hải-chiến thì Hoàng-Sa là lần thứ nhất của Việt-tộc và cũng là lần thứ nhất sẩy
ra ở Biển Đông với quân-số đôi bên tham-dự hàng ngàn người. Thiệt-hại phía
Trung-Cộng có tới cấp-bậc Đô-Đốc.
Bài học cho ta lại cay đắng vô cùng, lần đầu tiên gậy ta đã
đập lưng ta. Chúng áp-dụng sách-lược "tầm ăn dâu". Trang-bị của HQ Việt-Nam
do ngoại-viện dềnh-dàng, chậm-chạp, khác nào một thứ "trường-trận",
làm sao thắng với "đoản-binh" và thế "Tầm ăn dâu" của
quân-thù.
Chúng ta không có tham-vọng làm một cuốn sử, chúng ta cũng
không có tham-vọng tự bào-chữa hay suy-tôn cá-nhân nhưng tư-cách người thủy-thủ
khi về già thúc đẩy chúng ta viết lại những gì thực, ít nhất là thời-gian,
không-gian, biến-chuyển cho chính-xác, thêm đó là một chút đề-cập đến vai trò của
chúng ta trên KTH Trần-Khánh-Dư... Bài học lịch-sử nào cũng đáng giá trong
tương-lai mà !
Hy-vọng cuốn tài-liệu được thành-hình, mai này ta chỉ cho
con hay cháu ít dòng trong đó để chúng đọc và biết rằng cha hay ông của chúng
lúc đó bắn súng, chạy radar, lái tàu, truyền-tin hay điều-khiển máy... Tập sách
nhất-định là một mớ tài-liệu lịch-sử và hy-vọng đủ giá-trị xứng-đáng nằm trong
thư-viện như một tác-phẩm nhỏ nhoi nhưng xác-thật và qúy-báu ghi lại khung cảnh
sinh-hoạt bé nhỏ của chúng ta trong cơn quốc-biến. Bạn Hoa-Kỳ thì vừa bỏ rơi
ta, còn anh em xa theo CS cũng ngả theo thù, chuẩn-bị lấn nuốt trôi phần biển
hương-hỏa của Tổ-tiên.
Sau này có còn ai người cảm-thông cho nỗi cô-đơn này!
Nhiều biến-chuyển lớn tương-tự có liên-hệ đến dân-tộc đã
không được ghi chép lại. Vì thế ta không lạ lùng thấy sách thông-dụng về Việt-sử
4, 5 ngàn năm văn-hiến chỉ khiêm-nhượng qua số lượng sách vở nhỏ mà thôi. Một
chuyện tầm-thường như vụ anh đen tên King bị cảnh-sát đánh ở Los Angeles,
hay chuyện câu khách Michael Jackson ... đã được viết bởi hàng chục tác-phẩm mà
vẫn còn được tiếp-tục viết chưa ngừng. Hẳn các Bạn đồng-ý cùng chúng tôi là biến-cố
Hoàng-Sa không phải quá nhỏ bé để bị mọi người Việt-Nam hôm nay và ngày mai
quên-lãng.
Trong 4 chiến-hạm anh em hồi ấy, HQ.10 chìm với nhiều bạn thủy-thủ-đoàn hy-sinh
tại chỗ, HQ.5 và HQ.16 sống ly-hương ở Phi và đã vào vũng phế-thải từ mươi năm
qua. Riêng HQ.4 Trần-Khánh-Dư, chiếc khu-trục-hạm đã già, tuy vẫn còn nổi nhưng
âm-thầm, khật khưỡng sống qua ngày dưới cái tên bạc-mệnh "Đại-Kỳ",
danh-số CSVN là HQ.3 gì đó.
Đính kèm theo đây là một vài gợi ý[2], các bạn có
thêm ý-kiến, tài-liệu hay chi-tiết gì khác cứ ghi thêm và xin trả lại để chúng
tôi tổng-hợp. Các diễn-tiến thực-hiện sẽ được chúng tôi tường-trình tiếp theo.
Xin chúc các Bạn và gia-đình được mạnh-khỏe, an-khang, thịnh-vượng.
Xin cảm ơn trước sự đóng góp qúy-báu của các bạn. Chúng tôi chờ hồi-âm của các
Bạn.
Thân mến,
Vũ-Hữu-San
Một bạn đồng-đội tưởng-niệm
Giỗ Trận Hoàng-Sa 15 năm
19 tháng 1 năm 1989
1410 Gordy Dr.
San Jose, CA 95131
Biểu-ngữ của Vùng 1 Duyên-hải: “Hoàng-Sa Trấn - Hải-Biên
Phòng.”
[1] Cũng Nguyên Nhi, một đồng-đội cũ HQ.4,
khi tưởng nhớ về chiến-hạm lúc Ông nằm tù cải-tạo như sau: …Những ngày cuối
cùng của cuộc chiến, con tàu nằm đại kỳ ở hải xưởng. Con kình ngư một thời lướt
sóng ngăn thù ấy bây giờ đành ngậm ngùi mắc cạn. Nó không còn cơ hội vượt trùng
lưu- vong. Nó, cũng như anh ta, nằm lại, nghẽn thở trong chiếc thòng lọng đỏ.
Sau này, anh ta viết:
Ðể khắc khoải đêm sâu tù cải tạo
Nghe thinh không thảng thốt một hồi còi... (Nguyên Nhi, 5.2001)
Nghe thinh không thảng thốt một hồi còi... (Nguyên Nhi, 5.2001)
No comments:
Post a Comment