Wednesday, January 23, 2013

Ngày mất Hoàng Sa


Ngày mất Hoàng Sa

Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
36 năm trước, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra lệnh khai hỏa trước.
Ngày 19/1/1974 sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi, hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, khi ấy do Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền.
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề đốc hải quân Việt Nam CH, nguyên Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải là một trong các chỉ huy tham dự trận đánh.
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Vài ngày trước ngày 19/1, chúng tôi chịu trách nhiệm bảo vệ Vùng 1 Duyên hải, kể cả các hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Chúng tôi thấy xuất hiện những sinh hoạt bất thường trên đảo. Trong các đảo thuộc chủ quyền VN thì đảo Hoàng Sa (Pattle) có người ở. Trên đảo có đài khí tượng và một đại đội lính đồn trú.
Những đảo kia thuộc quyền kiểm soát của VNCH, và không có quân. Khi thấy xuất hiện một số sinh hoạt khác thường trên đảo, chúng tôi cử người nhái và biệt hải lên thăm dò thì thấy quân nhân lạ và những chiếc tàu đánh cá có võ trang xuất hiện xung quanh.
Chúng tôi cư xử ôn hòa mời họ ra khỏi đảo. Tuy nhiên tàu lạ có hành động khiêu khích. Được sự đồng ý của tổng thống, chúng tôi dùng vũ lực để mời họ ra.
Trận hải chiến xảy ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng. Sự thiệt hại của hai bên coi như bằng nhau. Chúng tôi có tất cả 58 sĩ quan và thủy thủ đã bỏ mình trên chiến hạm, kể cả hai người nhái trên đất liền.
Tàu Nhật Tảo của hải quân VNCH
Hộ tống hạm Nhật Tảo đã bị đánh chìm trong trận chiến.
BBC: Là sĩ quan, và đồng thời là người lính tham chiến, cảm nghĩ của ông thời gian đó như thế nào sau khi bị mất đảo?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Bây giờ nhìn lại, thấy rõ ràng năm 1973 khi Hoa Kỳ bắt đầu rút khỏi Việt Nam, thì quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu đơn độc không có sự hỗ trợ của đồng minh.
Hoa Kỳ vốn là đồng minh trợ giúp nhiều nhất thì đã rút khỏi Việt Nam. Lúc đó miền Nam lại đang vướng vào cuộc chiến với Hà Nội, thành ra chúng tôi không có đủ quân để giữ những hải đảo đó.
Tuy số quân hai bên không khác nhau nhiều nhưng chiến hạm của Trung Quốc tối tân hơn của VNCH. Chúng tôi quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của TQ đang trên đường tới khu vực và khả năng sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở gần đó đã không trợ giúp, ngay cả khi chúng tôi cầu cứu.
BBC: Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp về biển đảo, trong đó có Trường Sa. Lúc này Việt Nam không nằm trong liên minh quân sự nào, không có hậu thuẫn của một thế lực hay cường quốc nào. Ông có lo sợ trong tương lai sẽ xảy ra các cuộc hải chiến như vậy không, và có khả năng Việt Nam sẽ mất đảo?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Theo tôi nghĩ, chuyện đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, vì Việt Nam là quốc gia nhỏ bé trong vùng. Chuyện liên hệ quá gần gũi với Trung Quốc cũng có mặt dở của nó, đó là TQ hay lấn tới, có những hành động mà VN không nói gì được. Trung Quốc đâu có đụng các quốc gia khác ở vùng này như vậy đâu.
Tôi nghĩ sự đe dọa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu chính phủ Việt Nam không có thái độ thật mạnh hoặc dứt khoát, chuyện mất đảo vẫn có thể tiếp tục. Không chỉ đảo xa mà còn đến những đảo gần hơn nữa.
BBC: So sánh về tương quan lực lượng giữa hải quân của hai nước, liệu có thể ví một bên là chàng khổng lồ, con bên kia là người tí hon được không, thưa ông?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Theo tôi nghĩ chuyện tương quan lực lượng không thể đặt ra được vì hải quân TQ rất mạnh. Họ có rất nhiều tàu chiến, nhất là về phương diện tàu ngầm.
Còn hải quân Việt Nam, tuy có sự cố gắng nhưng không bao giờ có được những chiến hạm để đối phó với hải quân của một cường quốc như TQ. Nếu đụng độ giữa hai hải quân, tôi nghĩ hải quân VN không thể đương đầu nổi.

No comments:

Post a Comment