Canh bạc của Obama ở Syria
Mark Mardell
Chủ biên Bắc Mỹ, BBC News
Cập nhật: 10:51 GMT - thứ hai, 2 tháng 9, 2013
Ông Obama đang có canh bạc lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Chủ đề liên quan
Việc ông quyết định gác lại cuộc tấn công Syria và tìm kiếm chấp thuận từ Quốc hội rõ ràng đã khiến một số cố vấn thân cận nhất của ông bất ngờ.
Ngoại trưởng John Kerry đã biện hộ cho sự thay đổi bất ngờ trong cách tiếp cận của tổng thống.
Ông Kerry nói với NBC: "Ông ấy không nghĩ rằng đáng phải hành động và để cho người Syria và những người khác nhìn vào Hoa Kỳ rồi tranh luận xem liệu đó có phải là hành động hợp pháp hay không, hoặc nói lẽ ra chúng ta đã phải làm thế, hoặc lẽ ra chúng ta đã phải hành động nhanh hơn."
Nhưng đó chính xác sẽ là những gì diễn ra trong ít nhất là 10 hôm nữa.
Hiện đã có rất nhiều chỉ trích và những lời hâm nóng lại lý do vì sao ông lâm vào tình thế này.
Chỉ mới hôm thứ Sáu, ông ngoại trưởng nhấn mạnh về tình hình thế giới và uy tín của Hoa Kỳ. Khó có thể tưởng tượng được là ông sẽ hài lòng khi việc trừng phạt ông Assad phải gác lại.
Nếu như Quốc hội biểu quyết "Không", thì những gì ông nói ra sẽ quay trở lại gây bất lợi cho ông và ông Obama.
Cơ hội mong manh
Điều có thể xảy ra là chiến thắng không phải đã được bảo đảm chắc chắn, nhất là tại Hạ viện hiện đang do phe Cộng hòa kiểm soát.
"Hành động khi không có Liên Hợp Quốc, không có Anh, không có Quốc hội và không có sự ủng hộ của người Mỹ sẽ là điều rất khó chịu đối với người vốn lên cầm quyền với lời quyết tâm chấm dứt các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở nước ngoài."
Nhưng ngay tại Thượng viện, chiến thắng cũng chưa chắc đã giành được. Đây sẽ là cuộc biểu quyết tự do và các lãnh đạo mỗi đảng sẽ không tìm cách hướng người phe mình bỏ phiếu theo hướng nào.
Sau buổi nghe báo cáo tin tình báo kéo dài tại Capitol Hill, nhiều thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ đã tỏ ra không mấy thuyết phục.
Dự thảo nghị quyết từ Tòa Bạch ốc kêu gọi hãy cho phép có hành động nhằm "ngăn chặn, gây gián đoạn, cản trở và giảm bớt" khả năng của Syria trong việc sử dụng vũ khí hóa học, bị hai thượng nghị sỹ, một từ phe Cộng hòa và một từ phe Dân chủ, gọi là bao trùm các vấn đề quá rộng.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain, người dẫn đầu nhóm đòi phải có can thiệp quân sự vào Syria, nói dự thảo là "không có chiến lược, không có kế hoạch", mà cả hai vấn đề này đều cần phải có trước khi ông có thể ủng hộ cho việc có hành động quân sự.
Sẽ là thảm họa cho tổng thống nếu như Quốc hội không hậu thuẫn.
Việc ông quyết định kêu gọi biểu quyết sẽ trở thành ngu ngốc, và ông sẽ chỉ còn một lựa chọn không hay ho gì.
Đó là phải phớt lờ kết quả biểu quyết và khiến Quốc hội cũng như nhiều người Mỹ tức giận.
Hoặc không tấn công và phải chấp nhận những lời lẽ của John Kerry, theo đó nói nước Mỹ sẽ bị suy yếu, những kẻ độc tài nhỏ mọn sẽ trở nên táo tợn hơn, và lịch sử sẽ phán xét một cách gay gắt đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Cho nên ông Obama cần phải giành được biểu quyết thuận. Thế nhưng kể cả ông thắng, thì việc trì hoãn sẽ khiến cho ông Assad có thêm thời gian chuẩn bị đối phó.
Quyết định đưa ra biểu quyết khiến nhiều nhà bình luận đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Obama.
Nhưng hành động khi không có Liên Hiệp Quốc, không có Anh, không có Quốc hội và không có sự ủng hộ của người Mỹ sẽ là điều rất khó chịu đối với người vốn lên cầm quyền với lời quyết tâm chấm dứt các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
No comments:
Post a Comment