Cuộc thập tự chinh của ĐCS chống Cộng Cà Phê
Quán cà phê tại Hà Nội Cộng cà phê vẫn còn hoạt động dù đã xóa đi các hình ảnh nhà cầm quyền không thích. Báo Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ trích quán cà phê này.
Đã hơn ba tuần lễ kể từ khi quán Cộng Cà Phê ở Hà Nội bị một số tờ báo của nhà nước tấn công, xem xét, trước khi Phòng an ninh chính trị của công an thủ đô “vào cuộc” điều tra. Câu chuyện làm ồn của một quán cà phê, có thể dẫn tới việc bị phạt vi cảnh cho lần nhắc nhở đầu tiên, đã nhanh chóng chìm vào không khí tội phạm chính trị khá nặng nề. Người đứng đầu ngành văn hóa thông tin Hà Nội nói rằng chính quyền sẽ quan tâm sát sao chuyện này vì nó đụng chạm đến chính trị và an ninh.
Hôm 9/9/2013 lại xuất hiện một bài báo trên Petro Times tiếp tục cuộc chiến chống Cà phê Cộng. Lần này bài báo lặp lại những chỉ trích chính trị lần trước kết hợp với việc phê bình một xe tải treo các khẩu hiệu chính trị của đảng cộng sản một cách không đàng hoàng.
Về phía chủ nhân của Cộng Cà Phê thì ngoài phát biểu của ca sĩ Linh Dung với báo Đất Việt, đến nay không có phản ứng gì, nhưng trên trang FB của chủ nhân đã xuất hiện một quyển thực đơn mới mà trong đó không còn hình bóng của Lenin nữa. Rồi hình như các hình ảnh nghịch ngợm được cho là không kính trọng các lãnh tụ cũng không còn nữa. Cộng Cà phê đã lùi một bước trước sự tấn công của nền chuyên chính Cộng sản.
Lý lẽ của bên tố cáo gồm hai phần. Thứ nhất là hình ảnh các lãnh tụ bị bôi bác. Theo họ thì hình ảnh của lãnh tụ phải được đặt ở nơi xứng dáng để tôn vinh, trong đó ngoài hai ông Mác và Lê Nin vẫn được treo ảnh ở nhiều nơi tại Việt Nam, lại còn có cả ông Mao Trạch Đông bên Trung quốc vốn có lúc bị bộ máy tuyên truyền Việt Nam gắn với nhãn hiệu bành trướng xâm lược và nhiều điều xấu xa khác.
Lý lẽ thứ hai là Cộng Cà Phê xem thường các tác phẩm của Lenin mà bên tố cáo cho là kho tàng của nhân loại.
Phản ứng trước cuộc tấn công nhắm vào Cộng Cà Phê này, nhiều khách hàng của quán cho là sự việc không có gì ầm ĩ.
Một nữ họa sĩ trẻ là khách hàng của quán nói, “Em thấy bình thường, khi vào quán thì có một không khí nhẹ nhàng, em không thấy có vấn đề gì về việc bài trí quán cả. Em có đọc một số bài báo và em thấy nó nực cười, chẳng có cơ sở nào để chỉ trích như vậy cả.”
Chiến dịch của ĐCS
Điều đáng ngạc nhiên là số đông giới trẻ thủ đô, dù lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như cô nữ họa sĩ kia, được cho học các kinh điển cách mạng từ tuổi thiếu nhi, cũng không thấy những châm biếm của quán cà phê Cộng là một cái gì đó nghiêm trọng. Họ xem những thông điệp châm biếm cái độc tôn cũ kỹ là chuyện vui nhộn bình thường, bình thường trong xã hội thông tin đa chiều ngày nay, bình thường với bao lý thuyết, tư tửởng của nhân loại mà người ta có thể tiếp cận hàng giờ hàng phút.
Vấn đề khá thú vị ở chổ là nếu sự bày trí của quán cà phê này đụng chạm tới an ninh và chính trị, thì tại sao hàng năm trời nó tồn tại mà không thấy ai nói gì? Blogger Uyên Vũ nói về sự việc này như sau:
Nó đã ra đời cả chuỗi quán như vậy tức là sự tồn tại của nó đã từ lâu rồi sở dĩ nó được chú ý trở lại là vì cũng có khi người ta muốn dùng chuyện này để mà khỏa lấp những vấn đề thời sự khác.
Không rõ là bộ máy tuyên huấn của đảng cộng sản Việt Nam muốn khỏa lấp chuyện gì đấy trong vô vàn chuyện xảy ra dưới quyền lãnh đạo của họ hiện nay hay không hay chỉ đơn giản là họ …không biết tới hay là…không hiểu ra!
Có thể so sánh chiến dịch này với các chiến dịch khác mang tính văn hóa tư tưởng trong thời gian qua. Chiến dịch tấn công quyển sách Trại súc vật được thực hiện hàng nửa năm trời sau khi quyển sách được ấn hành. Chiến dịch tấn công luận văn của nhà văn Nhã thuyên thì sau khi luận văn đã ra đời đến hai năm. Quyển sách Trại súc vật được nhiều người đọc hơn, nhiều người cũng biết đến nhà văn Nhã Thuyên là ai sau những chiến dịch ấy. Và Cộng Cà Phê dường như cũng đang đông khách hơn.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo có lần nhận xét về công tác tuyên truyền của đảng cộng sản hiện nay rằng,“Đám tuyên truyền của đảng cộng sản đang vỡ trận.”
Mà ngay trong chiến dịch (nếu có thể gọi nó là chiến dịch) văn hóa tư tưởng này cũng không thấy phía tuyên án bàn gì đến cái tên của quán là Cộng Cà Phê. Cái tên Cộng đó cùng với hình ảnh nền là các vạch đỏ cùng ngôi sao vàng, rõ ràng là mang một ý nghĩa khác với dấu cộng trong toán học. Và dường như nó muốn tạo nên một thông điệp nhiều ẩn ý, Quán Cộng Cà Phê trong một đất nước cầm đầu bởi đảng Cộng sản.
Nhưng làm sao để tấn công mục tiêu ấy, đâu thể nhân danh chủ nghĩa cộng sản đế tấn công một cái tên mang hàm ý của chính chủ nghĩa ấy. Cuộc thập tự chinh của đảng cộng sản trong thế vỡ trận của công tác tuyên truyền như nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói chống lại tên tuổi của Cộng Cà Phê sẽ có kết quả ra sao?
No comments:
Post a Comment