Mỹ và Nga đạt thỏa thuận về vũ khí Syria
Cập nhật: 08:55 GMT - thứ bảy, 14 tháng 9, 2013
Nga và Hoa Kỳ nhất trí rằng Syria phải hủy vũ khí hóa học vào giữa năm 2014 và sẽ dùng vũ lực nếu không tuân thủ.
Thỏa thuận này có nghĩa Syria phải cho thanh tra LHQ tới tất cả nơi có vũ khí hóa học trước khi hủy hoàn toàn vũ khí này.
Các bài liên quan
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đưa ra khuôn khổ sáu điểm theo đó Syria phải trao danh sách đầy đủ kho vũ khí trong vòng một tuần.
Ông nói rằng thỏa thuận này có thể được thi hành theo một nghị quyết của LHQ theo đó cài thêm lệnh thanh trừng hoặc vũ lực nếu không tuân thủ.
Trong một cuộc họp báo chung với người tương nhiệm phía Nga Sergei Lavrov, ông Kerry kêu gọi chính phủ Assad thực hiện các cam kết mà họ đã tuyên bố.
Thỏa thuận được đưa ra giữa Hoa Kỳ và Nga không cho phép Syria 'có cửa nào để chơi game'.
Sáu điểm Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra
Số lượng và loại vũ khí hóa học phải được nhất trí và ''nhanh chóng'' đặt dưới sự kiểm soát quốc tế
Syria phải đệ trình danh sách đầy đủ kho vũ khí trong vòng một tuần
Thủ tục bất thường theo Công ước Vũ khí Hóa học sẽ cho phép "tiêu hủy vũ khí nhanh gọn''
Syria phải cho phép thanh tra ''tự do tiếp cận và tiếp cận ngay lập tức'' tất cả các địa điểm
Tất cả vũ khí hóa học phải bị tiêu hủy, bao gồm khả năng chuyển vũ khí đó ra khỏi lãnh thổ Syria
LHQ sẽ hỗ trợ hậu cần, và việc tuân thủ sẽ được chiểu theo Chương VII của hiến chương LHQ
Ông Kerry và ông Lavrov nói rằng nếu Syria không tuân thủ thì sẽ qua thủ tục thông qua một nghị quyết của LHQ theo Chương VII của hiến chương LHQ, cho phép sử dụng vũ lực.
Ông Kerry nói thanh tra sẽ phải tới hiện trường vào tháng 11, và rằng các kho vũ khi sẽ phải được di dời hoặc hủy bỏ vào giữa năm 2014.
Pháp, vốn là nước duy nhất sẵn sàng tham gia cùng Hoa Kỳ dùng vũ lực với Syria, đã hoanh nghênh thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Laurent Fabius nói đây là một "bước tiến quan trọng".
Tuy nhiên giới lãnh đạo phe quân đội chống Assad là tổ chức Free Syrian Army bác bỏ thỏa thuận này và cam kết tiếp tục giao tranh.
'Tội ác chống nhân loại'
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trước đó tổng thống Syria đã "phạm tội ác chống nhân loại."
Tuy nhiên ông Ban không nói ai là thủ phạm vụ tấn công ngày 21/8 ở khu ngoại ô Ghouta của thủ đô Damascus bởi vì điều này không nằm trong phạm vi của báo cáo.
"Chắc chắn phải có việc truy tố trách nhiệm sau khi tất cả mọi thứ đã chấm dứt"
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon
Washington và các đồng minh cáo buộc chính phủ Syria đã giết chết hàng trăm người trong một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Ghouta, ngoại ô Damascus.
Chính phủ nước này đã phủ nhận mọi trách nhiệm và đổ tội cho quân nổi dậy.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dự kiến đưa ra vào tuần tới sẽ xác nhận chắc chắn rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria hồi tháng trước, người đứng đầu tổ chức này cho biết.
Ông Ban nói kết quả điều tra của LHQ là ‘bằng chứng mạnh mẽ cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng."
Ông Ban nói ai đứng sau vụ tấn công, nhưng nhấn mạnh rằng Tổng thống Bashar al-Assad đã "phạm nhiều tội ác chống nhân loại."
"Do đó, tôi chắc rằng sẽ phải xác định trách nhiệm thuộc về ai sau khi mọi thứ đã xong xuôi," ông nói.
Phóng viên BBC Nick Bryant nói ông Ban có vẻ như không nhận ra bình luận của ông tại Diễn đàn Phụ nữ Quốc tế đang được phát sóng trên truyền hình của Liên Hiệp Quốc.
Trưởng phái đoàn thanh tra vũ khí hóa học, ông Ake Sellstrom, xác nhận báo cáo đã xong.
"Mọi việc đã xong, tuy nhiên chừng nào công bố tùy vào tổng thư ký," ông nói.
Một quan chức ngoại giao cao cấp của Liên Hiệp Quốc nói với BBC rằng ông Ban sẽ trình bày bản báo cáo trước Hội đồng Bảo an tại New York vào lúc 11 giờ ngày 16/9 theo giờ địa phương (tức 9 giờ tối cùng ngày giờ Việt Nam).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói nước này tin rằng mặc dù báo cáo của Liên Hiệp Quốc sẽ không nêu thủ phạm, nhưng sẽ "củng cố cho những gì chúng tôi đã nói trước đó" về vụ việc ở Ghouta.
Các nhà ngoại giao cho rằng mặc dù bản báo cáo này không nói rõ ai đứng sau vụ tấn công, nhưng những thông tin trong đó dựa trên mẫu đất, máu và nước tiểu, cũng như các cuộc phỏng vấn với các bác sỹ và nhân chứng, có thể cho biết ai chịu trách nhiệm.
'Đàm phán thực chất'
Cuộc đàm phán ở Geneva chủ yếu xoay quanh kế hoạch của Nga đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế.
Syria đã đồng ý với đề xuất này và đã gửi đến Liên Hiệp Quốc hồ sơ đăng ký gia nhập Công ước Vũ khí Hóa học, vốn cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học.
Đề xuất này đã khiến Tổng thống Barack Obama tạm hoãn cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về hành động quân sự trừng phạt Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm chi tiết về cuộc đàm phán: "Chúng tôi sẽ ở lại; có lẽ họ sẽ chốt lại các chi tiết trong đêm. Tôi không rõ ngày mai thế nào, nhưng họ sẽ làm việc suốt đêm."
Một quan chức chính phủ Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng cuộc đàm phán đang ở "giai đoạn mấu chốt".
Ông Kery trước đó đã miêu tả cuộc đối thoại là "mang tính xây dựng" và Tổng thống Obama, sau cuộc gặp với hoàng thân Kuwait tại Nhà Trắng, cũng đã nói ông hy vọng nó sẽ "mang lại kết quả" .
"Tuy nhiên, tôi lặp những gì mà tôi đã nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải kiểm chứng được và thực thi được," ông Obama nói.
Các hoạt động ngoại giao sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần, với chuyến thăm Israel của Kerry vào Chủ nhật ngày 15/9.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague và người đồng cấp Pháp Laurent Fabius sẽ có cuộc gặp với ông Kerry ở Paris vào thứ Hai ngày 16/9.
Trước khi quay lại bàn đàm phán ở Geneva, hai ông Lavrov và Kerry cũng đã gặp đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập về Syria là ông Lakhdar Brahimir.
Kerry cho biết họ dự kiến sẽ gặp một lần nữa bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào cuối tháng này để xác định ngày giờ cho hội nghị hòa bình Syria vốn đã bị hoãn lâu nay.
Ông cũng nói cả Mỹ và Nga đều ‘hết sức mong muốn có một giải pháp thông qua đàm phán’ cho cuộc khủng hoảng tại Syria và rằng ông và Lavrov đang "làm việc hết sức để tìm kiếm điểm chung để làm được điều đó."
Lavrov nói ông hoan nghênh cơ hội để thảo luận về một "mục tiêu dài hạn" cho tiến trình hòa bình tại Syria, và giờ đây khi Syria đã gia nhập Công ước về Vũ khí Hóa học cần phải "đề ra một lộ trình để đảm bảo rằng vấn đề này được giải quyết nhanh chóng, chuyên nghiệp, và càng sớm càng tốt."
Phóng viên BBC tại Geneva, James Robbins, nói có vẻ như hai vị ngoại trưởng đang làm việc với nhau rất tốt, tuy nhiên chỉ khi nào họ đồng y trên vấn đề vũ khí hóa học thì mới có triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình.
Nếu như cuộc đàm phán ở Geneva thành công, Mỹ hy vọng việc giải giáp vũ khí hóa học sẽ được đưa ra trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên Nga vẫn xem bất kỳ nghị quyết nào cho phép hành động quân sự là không thể chấp nhận. Chính quyền ông Obama cũng đã đánh tín hiệu cho thấy sẵn sàng từ bỏ yêu cầu trừng phạt Syria trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Giới chức cấp cao tại Nhà Trắng nói Tổng thống Obama sẽ không yêu cầu nghị quyết Liên Hiệp Quốc bao gồm đe dọa vũ lực, điểm bế tắc chủ yếu với Nga.
Tuy nhiên, họ cũng nói rằng Mỹ vẫn có quyền sử dụng hành động quân sự mà không cần Liên Hiệp Quốc cho phép.
Hơn 100 nghìn người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Assad nổ ra hồi năm 2011. Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.
No comments:
Post a Comment