Hãy nộp vũ khí hóa học, Nga thúc Syria
Cập nhật: 03:47 GMT - thứ hai, 9 tháng 9, 2013
Nga vừa yêu cầu Syria giao vũ khí hóa học dưới sự "kiểm soát quốc tế' và hủy vũ khí để tránh bị Hoa Kỳ tấn công.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng đề nghị trên được đưa ra ở Moscow trong cuộc bàn thảo với người đồng nhiệm phía Syria, Walid Muallem và ông Muallem trả lời ông hoan nghênh gợi ý đó.
Chủ đề liên quan
Hoa Kỳ đang đe dọa tấn công Syria sau khi cáo buộc chính phủ nước này phạm tội ác chiến tranh, mặc dù Damascus vẫn kiên quyết phủ nhận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, hiện đang ở châu Âu để vận động cho hành động quân sự, tái khẳng định rằng không hành động gì thì nhiều rủi ro hơn là tấn công Syria.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo rằng có điều gì Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể làm để tránh hành động quân sự, ông Kerry đáp lại rằng ông Assad có thể giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học nội trong tuần tới.
Giới chức Hoa Kỳ sau đó đã giải thích rằng ông Kerry lúc đó đưa ra hùng biện hơn là đề nghị một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga Lavrov sau đó nói rằng ông đã hối thúc ông Muallem trong cuộc hội đàm ở Moscow rằng không chỉ “chấp nhận giao các địa điểm trữ vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát mà là rốt cùng sẽ hủy vũ khí này”.
Ông nói rằng ông đã nói với ông Muallem rằng Syria nên trở thành thành viên toàn diện của Công ước Vũ khí Hóa học.
Ông Muallem nói với các phóng viên qua một người phiên dịch rằng Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga.
Ông khen Nga đang có "nỗ lực để phòng hành động xâm lược của Mỹ chống lại người dân Syria”
Ông Muallem được cho là đang lên kế hoạch để trình lên các lãnh đạo cấp cao Syria.
'Ả Rập nhất trí'
"Một điều rõ ràng là nếu chúng ta không hành động thì thông điệp gửi đến Hezbollah, Iran và Assad sẽ là không ai quan tâm nếu anh cứ vi phạm chuẩn mực quốc tế đã có từ 100 năm nay."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ông và Liên đoàn các ngoại trưởng khối Ả-rập đã nhất trí rằng việc sử dụng vũ khí hóa học, mà Tổng thống Syria đang bị cáo buộc tiến hành, đã vượt qua ranh giới nghiêm cấm trên phạm vi toàn cầu.
"Việc sử dụng vũ khí hóa học của Assad đã vượt qua làn ranh giới đỏ quốc tế, giới hạn cấm trên toàn cầu", ông nói.
Các nước Ả Rập bị chia rẽ về vấn đề tấn công quân sự vào Syria.
Phóng viên Hugh Schofield của BBC đưa tin từ Paris nói một số quốc gia như Saudi Arabia và Qatar ủng hộ quan điểm của Mỹ trong khi các quốc gia khác như nước láng giềng của Syria là Jordan và Lebanon tỏ ra thận trọng, lo lắng hơn rất nhiều về khả năng xung đột lan rộng qua biên giới của họ.
Ông Kerry nêu thông điệp tại một cuộc họp báo sau khi gặp ngoại trưởng Liên đoàn Ả Rập.
“Một điều rõ ràng là nếu chúng ta không hành động thì thông điệp gửi đến Hezbollah, Iran và Assad sẽ là không ai quan tâm nếu anh cứ vi phạm chuẩn mực quốc tế đã có từ 100 năm nay,” Kerry nói.
Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Syria, ông nói thêm, cần có giải pháp chính trị.
“Chúng tôi đã nói đi nói lại và tôi cũng đã nói nhiều lần mỗi khi tôi phát biểu về vấn đề này rằng không có giải pháp quân sự.”
“Điều mà chúng tôi muốn là thực thi luật lệ về việc sử dụng vũ khí hóa học.”
Ông cho biết ngoại trưởng của tất cả các nước Ả Rập tại cuộc họp đều nhất trí rằng sử dụng vũ khí hóa học tức là đã ‘vượt lằn ranh đỏ của quốc tế’.
Hội nghị của Liên đoàn Ả Rập ở Paris, lúc đầu là nhằm để thảo luận tiến trình hòa bình Israel – Palestine, quy tụ ngoại trưởng các nước Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Lãnh thổ Palestine, Bahrain, Qatar, Ai Cập, Jordan, Kuwait và Ma-rốc.
'Báo động'
Hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Anh William Hague nói với BBC rằng việc thế giới không hành động về Syria sẽ là điều đáng báo động.
Ông Hague nhấn mạnh đây là một thời điểm ‘báo động’ nếu thế giới không có hành động quân sự nào đáp lại việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria.
Các nghị sĩ quốc hội Anh đã bỏ phiếu chống lại một can thiệp quân sự sau khi Anh và Mỹ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng chế độ Assad lại đổ lỗi quân nổi dậy.
Hoa Kỳ cũng cố gắng tìm kiếm hậu thuẫn cho một cuộc tấn công, nhưng Washington chưa đạt được thỏa thuận nào với một số đối tác chính ở Hội động Bảo an tại hội nghị thượng đỉnh G20 tuần trước.
Ngoại trưởng Anh nói với BBC một phản ứng là cần thiết để "ngăn chặn" việc sử dụng vũ khí hóa học.
"Tôi tin rằng rất mạnh mẽ rằng thế giới phải đứng lên chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học và đang có một cuộc tranh luận diễn ra ở Quốc hội Mỹ", ông Hague nói với chương trình truyền hình của Andrew Marr trên BBC.
"Điều mà chúng tôi muốn là thực thi luật lệ về việc sử dụng vũ khí hóa học."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc đã hơn một lần bày tỏ việc họ không đồng ý về một hành động can thiệp quân sự mà không được Liên Hiệp quốc cho phép.
Tại Hội nghị G20 vừa diễn ra ở Moscow, các cường quốc phương Tây và Nga cũng như Trung Quốc đã chưa đạt được một thỏa thuận về phương thức xử lý vấn đề Syria thông qua một hành động quân sự.
Mỹ đang thắng lợi?
Từ Paris, phóng viên Rajini Vaidyanathan của BBC nhận định:
“Kerry đã đôi lần trình bày những lý lẽ được ông chuẩn bị kỹ từ trước để kêu gọi ủng hộ cho hành động quân sự ở Syria, nhưng ở Paris chúng ta còn nghe ông ấy thuyết trình bằng tiếng Pháp rất chuẩn. Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy tâm huyết của ông ấy khi ông ấy nói về điều mà ông ấy tin là sự vi phạm trắng trợn các chuẩn mực quốc tế của chế độ Syria.
Kerry đang lãnh phần trách nhiệm nặng nề cho ông chủ của mình là Tổng thống Barack Obama. Ông muốn trở về Washington với kết quả gì đó cụ thể. Các quan chức Mỹ cảm thấy rằng họ đã có những thắng lợi chủ chốt – trong đó có việc Đức quyết định ký vào một bản tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế đáp trả mạnh mẽ Syria ở hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua ở Nga.
Ngoại trưởng Kerry dường như ngụ ý rằng một số nước Ả Rập mà ông gặp gỡ ở Paris cũng sẽ thông báo ủng hộ tuyên bố này trong những ngày tới. Tuy nhiên điều mà ông muốn là sự ủng hộ thẳng thừng cho hành động quân sự.”
No comments:
Post a Comment