Biến cố Vịnh Bắc Bộ 1964
(Bài 1/6)- Trần Ðỗ Cẩm biên khảo
(Austin Texas, mùa Thu 1998)
Vụ đụng độ giữa các chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ và những ngư lôi đĩnh Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Vịnh Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964 mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt và hậu quả vô cùng quan trọng. Ðây không phải là một trận hải chiến lớn liên quan tới nhiều chiến hạm hay thương vong đôi bên lên tới một con số cao, nhưng có hậu quả vô cùng quan trọng. Các sử gia đều cho rằng biến cố này đã khơi ngòi cho việc quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, tương tự như trận tấn công bất ngờ tại Trân Châu Cảng đã mở màn cho cuộc chiến tranh Mỹ - Nhật tại Thái Bình Dương thời Ðệ Nhị Thế Chiến.
Nhưng cho tới nay, dù cuộc đụng độ xảy ra đã trên 30 năm và đã làm tốn hao nhiều giấy mực, nhiều chi tiết vẫn chưa được sáng tỏ. Có thể nói "Biến Cố Vịnh Bắc Việt" tuy là đề tài được đề cập nhiều nhất cũng như bàn cãi sôi nổi nhất tại Hoa Kỳ mỗi khi nhắc tới chiến tranh Việt Nam, nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn nhất. Những "nghi vấn" này không những đã làm nhiều sử gia thắc mắc, ngay cả những người liên quan chủ chốt cũng muốn tìm câu trả lời. Mới đây nhất, khi cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Robert McNamara - người được mệnh danh là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh - sang thăm Việt Nam vào năm 1995, ông cũng đã hỏi đối thủ Võ Nguyên Giáp:" Cho tới bây giờ tôi vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra tại vịnh Bắc Việt vào hai ngày 2 và 4 tháng 8 năm 1964. Tôi nghĩ rất có thể chúng tôi đã phạm phải hai suy đoán sai lầm quan trọng ... Vậy điều chúng tôi gọi vụ đụng độ vào ngày 4 tháng 8 năm 1964, thường được gọi là cuộc tấn công thứ nhì, có thật sự xảy ra không?"
Một vị cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng khi đặt câu hỏi như vậy đã chứng tỏ không nắm vững tình hình, không biết mình biết người, nhưng vẫn đưa ra nhiều quyết định quan trọng sinh tử trong quá khứ! Thật là điều không tưởng tượng nổi! Vì vậy, nhiều người đã chê bai câu hỏi "ngớ ngẩn" và làm bẽ mặt Hoa Kỳ này. Võ Nguyên Giáp đã trả lời câu hỏi "ngây thơ" của người đã từng quyết định sự thắng bại của cuộc chiến tại Việt Nam thế nào? Biến cố vịnh Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964 đã diễn tiến ra sao? Những nghi vấn gì vẫn còn chưa được sáng tỏ? Chúng tôi sẽ tuần tự mô tả lại những sự kiện liên quan trực tiếp hay gián tiếp để độc giả dễ bề theo dõi và tự tìm câu trả lời.
I. Những Hoạt Ðộng Biệt Kích Nhắm Vào Bắc Việt
Ngay từ sau hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước, cả hai phe Quốc - Cộng đã để lại trong "lòng địch" một số gián điệp với mục đích thu thập tin tức tình báo và quấy rối đối phương. Tuy nhiên, lúc ban dầu, những hoạt động này thường chỉ có tính cách "nằm vùng" chờ thời cơ hơn là tích cực xâm nhập hoặc phá hoại.
Dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, cơ quan tình báo được đặt dưới quyền bác sĩ Trần Kim Tuyến. Trung tá Lê Quang Tung, chánh Sở Liên Lạc đảm nhiệm những công tác đặc biệt dưới quyền bác sĩ Tuyến. Ðại Úy Ngô Thế Linh, Trưởng Phòng 45 - coi như "Sở Bắc" - đặc trách về những công tác đặc biệt ngoại biên gồm Bắc Việt, Lào và Cam Bốt. Người em của Trung Tá Tung là Ðại Úy Lê Quang Triệu, nghe nói là một Ðại Ðội Trưởng thuộc Lữ Ðoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, lo về vấn đề quản trị hành chánh. Ða số những nhân viên phục vụ được tuyển mộ trong số những người gốc Công giáo hoặc trong đảng Cần Lao. Các ông Ngô Ðình Cẩn và Ngô Ðình Nhu cũng dính dáng đến các hoạt động tình báo với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Vào năm 1955, một toán biệt kích 6 người gốc Quảng Bình dùng ghe buồm giống như ghe miền Bắc xâm nhập Bắc Việt. Vì có thể trà trộn với những ghe đánh cá địa phương nên những chuyến công tác ban đầu kéo dài chừng vài ba ngày này không bị Cộng Sản phát hiện.
Tới năm 1958, Tổng Thống Diệm lại yêu cầu cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ trợ giúp để đảy mạnh hoạt động biệt kích. Do đó những hoạt động xâm nhập miền Bắc được gia tăng vào khoảng năm 1960 bằng phương tiện ghe buồm. Vùng duyên hải Bắc Việt có rất nhiều ghe đánh cá nên các ghe xâm nhập có thể trà trộn dễ dàng không bị khám phá. Qua năm 1961, với sự trợ giúp tích cực của Trung Ương Tình Báo (CIA) Hoa Kỳ, miền Nam bắt đầu tổ chức những vụ xâm nhập qui mô hơn bằng đường hàng không. Các toán biệt kích do Hoa Kỳ huấn luyện tinh thục và võ trang tối tân được thả bằng máy bay vào vùng thượng du Bắc Việt. Phi công dưới quyền của Ðại Tá Nguyễn Cao Kỳ bay những phi vụ đầu tiên. Sau đó, những phi công người Ðài Loan đảm nhiện những phi vụ kế tiếp.
Về mặt huấn luyện các biệt kích quân miền Nam, ngoài Hoa Kỳ, Ðài Loan cũng góp phần tham dự. Vào năm 1960, một toán ngưới nhái Việt Nam được gửi sang Ðài Loan để thụ huấn. Ðến năm 1961, có 20 huấn luyện viên người nhái của Ðài Loan đến Việt Nam để mở các khóa huấn luyện tại Vũng Tàu và Ðà Nẵng. Sở dĩ Ðài Loan hợp tác với các hoạt động biệt kích của miền Nam vì họ cũng muốn nhân dịp thăm dò sự cộng tác của CSBV và Trung Cộng. Nhiều tài liệu cho biết vào cuối thập niên 50, đã có một số các cuộc hành quân Biệt Hải giữa biệt kích Nam Việt Nam và Ðài Loan xuất phát từ Ðài Loan nhắm vào vùng biển Hải Phòng - Móng Cáy giáp ranh giới Hoa Việt.
II. Chiến Dịch Oplan 34-A
Tới năm 1963, Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh các hoạt động biệt kích nhắm vào các cơ sở quân sự của Bắc Việt. Bộ Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ chỉ thị Ðô Ðốc Harry Felt, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, soạn thảo một kế hoạch đặc biệt gọi là Oplan 34-63 (Operation Plan) do lực lượng miền Nam đảm nhiệm với sự trợ giúp phương tiện của Hoa Kỳ. Sau nhiều cuộc thảo luận giữa CIA và Quân Ðội Hoa Kỳ, kế hoạch Oplan 34-63 được biến cải trở thành Oplan 34A vào tháng 12 năm 1964. Theo kế hoạch này, Hoa Kỳ sẽ huấn luyện những quân nhân Việt Nam, đa số gốc người Bắc để xâm nhập miền Bắc với mục tiêu tuyên truyền móc nối, thả truyền đơn, phá hoại và ngăn chặn các tầu bè Việt Cộng chuyên chở vũ khí vào miền Nam. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của các toán biệt kích là điều nghiên hệ thống phòng thủ của Bắc Việt và thu thập tin tức tình báo cần thiết để có thể hoàn thành kế hoạch oanh tạc cũng như đổ bộ Bắc Việt khi cần.
Về phía CSBV được Nga Sô cho biết về các hoạt động tình báo của miền Nam nên cũng ráo riết chuẩn bị đề phòng. Nga Sô còn viện trợ cho Bắc Việt nhiều khinh tốc đĩnh tuần duyên trang bị ngư lôi, hỏa tiễn, đại bác phòng không và phòng duyên cùng những giàn radar phòng thủ duyên hải. Bờ biển miền Bắc từ vĩ tuyến 17 tới vùng Hải Phòng, Móng Cáy gần biên giới Hoa Việt gồm nhiều đảo nhỏ và những mỏm núi cao thuộc giải Hoành Sơn (núi đâm ngang ra biển). Ngang vĩ tuyến 17 gần Ðồng Hới có đảo Hòn Cọp. Vùng Vinh, Bến Thủy có đảo Hòn Mật. Xa hơn về phía Bắc có các đảo Hòn Mê, Hòn Niếu gần Thanh Hóa, Sầm Sơn rồi tới Vịnh Hạ Long với các đảo Cát Bà, Cái Bầu, Cái Bàn v.v... Các mũi biển quan trọng gồm mũi Ron, mũi Vinh Sơn, mũi Sót v.v... Trên các hải đảo và các mũi đá cao dọc duyên hải, Việt Cộng đặt các đài radar và hải pháo phòng duyên để theo dõi và ngăn chận các hoạt động xâm nhập của biệt kích cũng như của chiến hạm Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Vịnh Bắc Việt.
Tới ngày 24 tháng giêng năm 1964, Hoa Kỳ thành lập Toán Hành Quân Ðặc Biệt (Special Operations Group - SOG) và đặt dưới quyền của Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) nên thường được gọi tắt là MAC/SOG. Sau này để đánh lạc hướng địch và cũng để giảm bớt ấn tượng nặng về quân sự, Toán Hành Quân Ðặc Biệt được đổi tên là Toán Nghiên Cứu và Quan Sát (Studies and Observations Group), vẫn gọi tắt là MAC/SOG.
Về phía Việt Nam, một cơ quan tương đương gọi tên là Sở Kỹ Thuật (Strategic Technical Service) được thành lập vào ngày 12 tháng giêng năm 1964 để làm việc hàng ngang với MAC/SOG. Ðây là hậu thân của Sở Khai Thác Ðịa Hình (Topographic Exploitation Service) và Sở Liên Lạc do Ðại Tá Lê Quang Tung điều động dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Sau này, Sở Kỹ Thuật được đổi thành Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate). Như vậy, về phía Việt Nam, Nha Kỹ Thuật là cơ quan chịu trách nhiệm tổng quát về các hoạt động biệt kích trên thủy, bộ cũng như đường hàng không.
III. Sở Phòng Vệ Duyên Hải
Dưới cơ quan MAC/SOG, Hải Quân Hoa Kỳ có Nhóm Cố Vấn Hải Quân (Navy Advisory Detachment - NAD) để hoạt động với Sở Phòng Vệ Duyên Hải (Coastal Security Service - CSS) còn được gọi là Lực Lượng Hải Tuần (LLHT) của Hải Quân Việt Nam, trực thuộc Nha Kỹ Thuật. Nhóm NAD/CSS này đặt căn cứ tại tòa nhà "Bạch Tượng" đôi khi còn gọi là "Nhà Trắng" ở vùng bán đảo Sơn Chà, Ðà Nẵng. Các doanh trại của Sở Phòng Vệ Duyên Hải nằm ngay dưới chân Núi Khỉ (Monkey Mountain) gần căn cứ Hải Quân Tiên Sha thuộc BTL/V1 Duyên Hải. Các chiến đĩnh của LLHT đậu tại cầu tầu riêng biệt trong khu cảng Deep Water Pier gần bán đảo Tiên Sha. Khu cảng này rất gần bãi ủi của các tầu chuyển vận (LST - Landing Ship Tank) của Hải Quân Hoa Kỳ.
Các chiến đĩnh LLHT xử dụng trong những chuyến công tác gồm hai loại: PTF (Patrol Torpedo Fast) và PCF (Patrol Craft Fast), còn được gọi là Swift . Có 3 loại PTF:
- Loại cũ nhất là các PT thời đệ nhị thế chiến của Hoa Kỳ nhưng ống phóng ngư lôi đã được gỡ bỏ. Loại tầu này vỏ sắt, máy chạy bằng xăng nên thường được gọi là "tầu xăng". Một trong những PT nổi tiếng của Hoa Kỳ là chiếc PT 109 do Trung Úy Kennedy - sau này là Tổng Thống Hoa Kỳ - làm hạm trưởng. Loại tầu xăng có nhiều khuyết điểm về kỹ thuật như dễ bị cháy, bộ tục kết hay bị trục trặc, nhất là khi vào số lùi hay bị tắt máy. Máy khó khởi động sau khi bị tắt vì những hơi thừa con lại khóa cứng piston.
- Loại vỏ bằng gỗ Balsa rất nhẹ do Na Uy đóng thường được gọi là " Nasty ". Ðây là loại tốt nhất, dễ vận chuyển và chạy nhanh nhất. Về sau này, LLHT dùng toàn chiến đĩnh Nasty.
- Loại tầu vỏ sắt do Hoa Kỳ đóng phỏng theo kiểu "Nasty" nhưng có tên là "Osprey". Loại này tuy khá hơn tầu xăng nhưng nặng nề, khả năng vận chuyển và bền bỉ thua Nasty xa.
Việc thám sát mục tiêu cho các chuyến công tác của LLHT phần lớn do phi cơ gián điệp U-2 đảm trách. Căn cứ U-2 chính đặt tại Phi Luật Tân nhưng vào khoảng giữa năm 1964, tại phi trường Biên Hòa lúc nào cũng có hai phi cơ U-2 túc trực. Vào ngày có chuyến công tác, phi cơ U-2 bay từ lúc sáng sớm ra Bắc để thám sát mục tiêu mục tiêu lần chót, đến trưa MACSOG tại Sài Gòn đã có không ảnh. Trước khi xuống tầu đi công tác, các Hạm Trưởng PTF đều tham dự một buổi thuyết trình về chuyến công tác và nghiên cứu những tấm không ảnh mục tiêu này. Tuy nhiên vì U-2 phải bay rất cao ngoài tầm hỏa tiễn phòng không nên thường hình nhỏ không được rõ ràng. Vì vậy sau này Hoa Kỳ dùng những phi cơ nhỏ không người lái (drone) bay thấp hơn để chụp hình mục tiêu trước mỗi chuyến công tác. Ngoài ra, cũng có kế hoạch chụp hình ban đêm bằng radar.
Vì LLHT là một đơn vị đặc biệt của Hải Quân nên ít người biết tới, ngay cả đối với đa số HQVN. Mới đây, một số hồ sơ Hoa Kỳ được giải mật nên có vài quyển sách do ngưới Mỹ viết nói qua về LLHT. Nhưng rất tiếc, cũng giống như những tài liệu khác của người Mỹ nói về chiến tranh Việt Nam, nhiều sự thực đã vô tình hay cố ý bị xuyên tạc gây ngộ nhận không hay. Ðây có thể là "thói quen" của người Hoa Kỳ - kể cả "sử gia" - thường xuýt xoa tâng bốc người thắng trận (winner) và coi rẻ kẻ bại trận (loser). Chúng tôi là người đã phục vụ tại LLHT liên tiếp 5 năm với nhiều chuyến công tác từ năm 1965 đến 1970, tiện đây thấy cần phải nói lên những sự thật.
Trước hết là quyển sách "Tonkin Gulf and the Escalation of VietNam war" của tác giả Edwin E. Moise. Ông này là giáo sư sử học chuyên về chiến tranh Việt Nam tại trường Ðại Học Clemson, tiểu bang North Carolina. Theo dư luận, giáo sư Moise được coi là người có nhiều tài liệu nhất và có thẩm quyền nhất về phương diện sử học khi nói về chiến tranh Việt Nam. Tóm lại, ông Moise được coi như là "sử gia" chuyên về chiến thanh Việt Nam. Trước khi xuất bản sách này, ông Moise có tới gặp chúng tôi tại nhà riêng để hỏi một số chi tiết về LLHT cũng như các loại và đặc tính của các chiến đĩnh PT. Sách của ông Moise có đoạn nói về nghi vấn nhân viên hải quân Hoa Kỳ "bí mật" có đi theo nhân viên HQVN trong các chuyến công tác ra Bắc không (trang 15)? Ông Moise trích lời của Ðại Tá Phil Bucklew là cấp chỉ huy của toán nhân viên Hoa Kỳ này cho rằng "ông không biết bất cứ trường hợp nào những chiến đĩnh PTF đi công tác từ Ðà Nẵng mà KHÔNG có nhân viên Hoa Kỳ trên đó"(he did not aware of any cases in which the PTF's from Danang went on combat operations without American personnel aboard. His recollection is that the American were running the boats, with Vietnamese along in what was essentially an apprenticeship role). Ðại Tá Bucklew còn "nhớ" lại rằng những nhân viên Hải Quân Hoa Kỳ trực tiếp điều khiển chiến đĩnh, còn thủ thủ đoàn Việt Nam chỉ đóng vai trò "phụ việc". Ðại Tá Bucklew cũng nói tuy có đề nghị để nhân viên VN điều khiển chiến đĩnh trong khi công tác, nhưng đề nghị này bị từ chối vi nhân viên VN không đủ khả năng (the Vietnamese did not have the skills). Còn ông Ðô Ðốc Roy Johnson, Tư Lệnh Ðệ Thất hạm Ðội thời đó cũng nói :"Thủy thủ đoàn Việt Nam không tin tưởng được (unreliable)" nên "phải dùng thủy thủ đoàn Hoa Kỳ để thay thế". Ông Ðô Ðốc "khá chắc chắn" rằng thủy thủ đoàn Hoa Kỳ đã được dùng trong các công tác đánh phá ngoài Bắc từ tháng 8 năm 1964 hay chỉ ít lâu sau đó."
Về việc có người Mỹ đi theo trong những chuyến công tác hay không, trước năm 1965 chúng tôi không không giám nói chắc vì lúc đó chưa có mặt tại LLHT, nhưng theo những bạn bè đi trước nói lại và suy đoán, chúng tôi tin rằng chỉ có thủy thủ đoàn Việt Nam trong những chuyến công tác. Nhưng trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới 1970 là thời gian chúng tôi phục vụ tại LLHT với nhiệm vụ Hạm Phó rồi Hạm Trưởng PTF trong hàng trăm "combat missions", chắc chắn, quả quyết không hề có người Hoa Kỳ nào đi theo tầu chúng tôi hay tầu khác trong những chuyên công tác vượt vĩ tuyến 17. Nhân viên Hoa Kỳ chỉ đi theo trong những chuyến huấn luyện dưới vĩ tuyến 17. Còn về vấn đề khả năng và kinh nghiệm thật rất khó nói. Nếu không có khả năng hay không tin tưởng được, chắc chắn chúng tôi đã khó có thể an toàn trở về sau 5 năm công tác liên tiếp tại vùng biển Bắc Việt. Nhưng dù một Ðô Ðốc Hoa Kỳ thường khoe khoang là thủy thủ đoàn Việt Nam chỉ đóng vai phụ việc đi nữa, nếu phục vụ tại lực lượng PTF trong một "tour" chỉ có 6 tháng, lại thường nằm trong phòng lạnh ăn hút, không đi một chuyến công tác rồi đổi đi nơi khác, cũng khó có "khả năng" hơn một thủy thủ HQVN phục vụ đã lâu năm năm!
Chuyện thứ hai trong sách của sử gia Moise là việc bận đồng phục (uniform) hay quân phục trong lúc công tác. Trang 15, ông Moise viết:"Có nhiều bằng cớ chứng tỏ thủy thủ đoàn các chiến đĩnh Nasty là người của HQVN và mặc quân phục hải quân trong lúc công tác". Tác giả đã nói đúng về việc thủy thủ đoàn thuộc HQVN, nhưng việc "mặc quân phục hải quân trong khi công tác" là điều không đúng. Một nhân viên khi tình nguyện gia nhập LLHT, tuy quân số vẫn thuộc Hải Quân và vẫn lãnh lương hải quân hàng tháng, nhưng không trực thuộc quyền điều động của hải quân. Mỗi người ký một giao kèo phục vụ trong vòng 6 tháng, sau đó nếu muốn có thể ký tiếp hay thuyên chuyển về hải quân. Có thể nói lúc đó nhân viên LLHT coi như vừa là hải quân, vừa là dân sự. Ngay cả tên cũng thay đổi, ngoại trừ tên thật vẫn giữ trong thẻ quân nhân. Khi đi công tác, không ai được phép mặc quân phục hải quân, thông thường mặc thường phục không ai mang lon đội mũ. Riêng chúng tôi chỉ mặc bộ bà ba đen. Những lúc ở trong doanh trại không đi công tác, chúng tôi chỉ mặc quân phục hải quân khi có thượng cấp hải quân viếng thăm và mặc tiểu lễ chào cờ vào sáng thứ hai và nghe "câu chuyện dưới cờ" của Ðô Ðốc Tư Lệnh Trần Văn Chơn. Vả lại, trong nhiều công tác Tâm Lý Chiến ra Bắc, chúng tôi có nhiệm vụ đóng vai nhân viên của mặt trận "Gươm Thiêng Ái Quốc" - coi như một phong trào nổi dậy tại miền Bắc - để phát radio (dân miền Bắc gọi là "đài"), truyền đơn và quà cho ngư phủ miền Bắc, nếu bận quân phục hải quân VNCH thì đâu còn là "Ðồng chí miền bắc" nữa. Tóm lại, tuyệt đối không có việc mặc quân phục hải quân trong những chuyến công tác, ngoại trừ trong sách của sử gia Moise hay "nhớ lại" của các giới chức cố vấn Mỹ! Hiện nay, các anh em cựu LLHT còn có mặt tại Hoa Kỳ rất nhiều, vì tuy tham dự nhiều chuyến công tác vượt vĩ tuyến nguy hiểm nhưng luôn luôn nắm thế "thượng phong" nên rất ít khi bị thiệt hại. Bạn đọc có thể dễ dàng tiếp xúc với các cựu chiến sĩ Hải Tuần để phối kiểm những chi tiết nêu trên.
Vào khoảng giữa năm 1964, cường độ hoạt động của LLHT gia tăng. Nhiều chuyến công tác thành công phá hủy một số đài radar, cơ sở phòng duyên và căn cứ hải quân của Bắc Việt. Nhiều ngư phủ Bắc Việt cũng bị bắt đem về Cù Lao Chàm ngoài khơi Ðà Nẵng để khai thác tin tức, sau đó lại được trả về nguyên quán ngoài Bắc. Dĩ nhiên, để chống lại các hoạt động biệt kích bằng đường biển này, CSBV cũng ráo riết gia tăng hệ thống phòng thủ duyên hải. Các chuyến công tác do đó trở nên nguy hiểm và hồi hộp hơn nhiều.
Vào mùa hè năm 1964, trong lúc các chiến đĩnh thuộc LLHT thường xuyên thực hiện những chuyến công tác biệt kích bí mật trong khuôn khổ OPLAN - 34A thì Hải Quân Hoa Kỳ cũng có kế hoạch riêng nhằm công khai thám sát bờ biển Bắc Việt. Kế hoạch của Hải Quân Hoa Kỳ mang bí danh DeSoto.
IV. Kế hoạch tuần tiễu DeSoto
Hải quân Hoa Kỳ thường tổ chức những cuộc tuần tiễu mang bí danh DeSoto dọc theo bờ biển các quốc gia vùng Á Châu Thái Bình Dương để thám sát và thu thập tin tức tình báo bằng những dụng cụ "nghe lén" và "nhìn lén" đặc biệt.
Vào tháng 4/1964, Khu Trục Hạm (KTH) DeHaven thực hiện chuyến công tác DeSoto đầu tiên dọc theo bờ biển Trung Cộng, sau đó công tác tiếp tục mỗi tháng một lần, liên tiếp trong vòng 5 tháng. Trung Cộng chỉ phản ứng chiếu lệ. Trong các chuyến công tác vào tháng 10/62 do KTH Hollister (DD-788) và tháng 11/62 với KTH Shelton, lần đầu tiên chiến hạm Hoa Kỳ thám sát cả bờ biển Bắc Hàn. Cũng như những lần trước, phía Cộng Sản không có phản ứng mạnh. Vào khoảng cuối năm 1962, KTH Agerholm (DD-826) xuất phát từ Keelung - Ðài Loan lần đầu tiên thám sát vịnh Bắc Việt và vùng đảo Hải Nam nhưng không vào cách bờ dưới 20 hải lý. Trong năm 1963, có tổng cộng 6 công tác DeSoto dọc bờ biển Trung Cộng, Nga Sô, Bắc Hàn và Bắc Việt nhưng vẫn giữ khoảng cách 20 hải lý. Trong chuyến công tác vào tháng 4/63, khi KTH Richard Edwards (DD-950) tuần tiễu khu vực giữa đảo Hải Nam và bờ biển Bắc Việt, có 6 tầu tuần duyên Bắc Việt và một số phi cơ Trung Cộng theo dõi, nhưng Trung Cộng cũng chỉ phản kháng chiếu lệ. CSBV không lên tiếng.
Sang đầu năm 1964, Bộ Tư Lệnh Liên Quân Hoa Kỳ ra lệnh thực hiện thêm nhiều chuyến tuần tiễu DeSoto trong vùng vịnh Bắc Việt để thâu thập những tin tức tình báo sau đây:
- Hệ thống phòng thủ mặt biển gồm phối trí và khả năng của các chiến hạm phòng duyên, kể cả tiềm thủy đĩnh.
- Hệ thống phòng không gồm phối trí và khả năng đối phó với các mục tiêu trên không và trên biển.
- Hoạt động của các thương thuyền.
- Khả năng điện tử duyên phòng.
- Chụp hình và xác định hệ thống phòng thủ.
- Thâu thập tin tức tình báo và thủy đạo.
Mỗi chuyến công tác DeSoto thường do một khu trục hạm mang những dụng cụ kiểm thám điện tử đặc biệt, xuất phát từ căn cứ Keelung (Ðài Loan) đảm nhiệm.
Ngày 25/2/64, KTH John Craig có Ðại Tá Edward Williams, Chỉ Huy Trưởng Phân Ðoàn KTH 12 tháp tùng, xuất phát từ Ðài Loan để thi hành công tác tuần tiễu vịnh Bắc Việt với KTH Ingersoll (DD-652) bên ngoài vịnh để yểm trợ khi cần. Tuy Trung Cộng cho một chiến hạm loại Kronstadt và phi cơ theo dõi nhưng không xảy ra biến cố nào quan trọng. KTH Craig hoàn tất nhiệm vụ vào ngày 9/3/64.
Ðến đầu tháng 7/1964, MACV tại Sài Gòn yêu cầu Hải Quân cung cấp thêm tin tức tình báo dọc theo bờ biển Bắc Việt, nhất là tại những nơi các chiến đĩnh OPLAN-34A thường hoạt động. Vì vậy Ðô Ðốc Ulysses G. Sharp, người vừa thay thế Ðô Ðốc Felt trong chức vụ Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, ra lệnh tiếp tục các cuộc tuần tiễu thám sát DeSoto. Các Ðô Ðốc Moorer, Tư Lệnh Hạm Ðội Thái Bình Dương và Ðô Ðốc Johnson, Tư Lệnh Ðệ Thất Hạm Ðội chỉ định KTH Picking (DD-685) đảm nhận công tác. Chiến hạm dự trù khởi hành từ Keelung vào ngày 28/7 với Ðại Tá John Herrick, Chỉ Huy Trưởng Phân Ðoàn KTH 192 tháp tùng. Phân Ðoàn KTH 192 thuộc Lực Lượng Hoa Kỳ tại Ðài Loan do Ðô Ðốc Robert A. MacPherson chỉ huy. Theo kế hoạch, chiến hạm tuần tiễu không được vào gần bờ dưới 8 hải lý (hải phận Bắc Việt) và cách các hải đảo dưới 4 hải lý và còn phải tới đúng các chuẩn điểm (check points) theo lộ trình và thời điểm vạch sẵn (xem bản đồ trục tuần tiễu ấn định).
Ðô Ðốc Johnson cũng ra lệnh cho KTH Maddox đặc biệt ghi nhận vị trí và tầm hoạt động của những đài radar, hải đăng, các dấu mốc quan trọng cũng như chi tiết về thủy đạo, nhất là tại vùng các cửa sông. Chiến hạm cũng chụp hình những vị trí quan trọng dọc theo duyên hải Bắc Việt. Có lẽ Hoa Kỳ muốn thâu thập trước các chi tiết cần thiết để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ sau này.
Vì các chiến đĩnh thuộc LLHT và chiến hạm DeSoto tuy đảm nhiệm công tác riêng biệt nhưng sẽ hoạt động chung một vùng nên nhiều biện pháp cần thiết được hoạch định để tránh làm trở ngại hoặc ngộ nhận. Chiến hạm DeSoto sẽ theo đúng lộ trình và giờ giấc đã vạch sẵn, còn chiến đĩnh LLHT sẽ hoạt động tại vùng riêng biệt cách xa. Về không trợ, mẫu hạm Ticonderoga lúc đó đang hoạt động tại điểm Yankee ngang vĩ tuyến 17 ngoài khơi Ðà Nẵng sẽ yểm trợ chiến hạm DeSoto khi cần.
Tất cả mọi chuẩn bị và huấn thị cho chuyến công tác DeSoto tại vịnh Bắc Việt vào mùa hè năm 1964 đã đầy đủ, nhưng tới gần ngày công tác, KTH Maddox (DD-731) được chỉ định thay thế KTH Picking. Trong lúc đó, hoạt động của các chiến đĩnh LLHT cũng gia tăng trong vịnh Bắc Việt.
Ngày 22/7, các chiến đĩnh PTF-3 , 4, 5 và 6 thám sát vùng Ðồng Hới và bắt về một số ngư phủ để khai thác tin tức.
Ngày 30/7, các chiến đĩnh PTF-2, 3, 5 và 6 rời Ðà Nẵng đi đánh phá các đảo Hòn Mê và Hòn Niếu. Hồi 2315H, bốn chiến đĩnh đến mục tiêu tại vị trí vĩ độ 19 Bắc, kinh độ 106.16 Ðông phía Ðông Nam Hòn Mê. Tại đây, các chiến đĩnh chia làm hai toán. Các PTF-3 và 6 đảm nhận mục tiêu Hòn Mê, trong lúc PTF-5 và 2 hướng về Hòn Niếu.
Hai chiến đĩnh dự trù đổ toán Biệt Hải lên Hòn Mê bị địch phát hiện và nổ súng khiến 4 người trên PTF-6 bị thương. Toán Hòn Niếu cũng không đổ được quân. Khoảng sau nửa đêm, các chiến đĩnh bắn phá mục tiêu được chỉ định bằng đại bác 57 ly, 40 ly và 20 ly gây nhiều tiếng nổ phụ. Khoảng 1 giờ sáng ngày 31/7, hai toán chiến đĩnh rời mục tiêu trở về tới Ðà Nẵng vào khoảng 11 giờ trưa ngày 31/7.
(Còn tiếp)
Last edited by alamit; 05-10-2012 at 03:37 AM.
No comments:
Post a Comment