Monday, May 13, 2013

Biến cố Vịnh Bắc Bộ 1964



(Bài 5/6)- Trần Ðỗ Cẩm biên khảo
(Austin Texas, mùa Thu 1998)
Email: camtran11@yahoo.com

X. Phản ứng của Hoa Kỳ

1. Xác nhận đã bị tấn công
Các công điện không rõ ràng của Ðại Tá Herrick và những tin tức trái ngược từ vùng hành quân làm cho các giới chức thẩm quyền ở Bộ Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (Hạ Uy Di) và Tòa Bạch ốc rất phân vân. Công điện từ các nơi gửi đi tới tấp để hỏi thêm chi tiết và yêu cầu Ðại Tá Herrick xác nhận các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực sự bị tấn công. Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara ra chỉ thị trực tiếp cho Ðại Tá Herrick:"Hãy kiểm chứng và báo cáo rõ ràng". Lúc đầu, Ðại Tá Herrick tỏ ý hoài nghi đã bị tấn công vì không có một bằng cớ nào rõ rêt, nhưng về sau, dưới áp lực của thượng cấp, ông đành phải thay đổi ý kiến, từ "nghi ngờ bị tiểu đĩnh địch tấn cống" thành "chắc chắn bị địch tấn công".

Tuy Ðại Tá Herrick, sĩ quan thâm niên hiện diện tại chiến trường đã nhiều lần nhấn mạnh "có nhiều điểm đáng nghi ngờ" nhưng Ðô Ðốc Ulysses S. Grant Sharp, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã xác nhận với Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara rằng các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực sự bị ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công vào đêm 4 tháng 8. Ðối với McNamara, việc có nhìn thấy các tiểu đĩnh Bắc Việt hay không chẳng còn là điều cần thiết vì các công điện bắt được của Bắc Việt cộng với sự hư hại tuy nhẹ về phía chiến hạm Hoa Kỳ mấy ngày trước cũng đã đủ để làm bằng chứng.

Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên viên tại Tòa Bạch -c, McNamara điện thoại cho Ðô Ðốc Sharp để thảo luận về các biện pháp trả đũa quân sự thích ứng. Cuộc điện đàm chấm dứt lúc 6 giờ chiều ngày 4 tháng 8 (Lưu ý: vì giờ Hoa Thịnh Ðốn chậm hơn giờ Việt Nam 12 tiếng đồng hồ, lúc đó đã là 6 giờ sáng ngày 5 tháng 8 tại Việt Nam). Liền sau đó, lệnh báo động cho các mẫu hạm ngoài khơi Việt Nam được ban hành. Vào khoảng 7 giờ tối giờ Hoa Thịnh Ðốn (tức 7 giờ sáng ngày 5 tháng 8 giờ Việt Nam), Tổng Thống Johnson thông báo cùng các lãnh tụ quốc hội việc chiến hạm Hoa Kỳ bị ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công lần thứ nhì và cho biết Hoa Kỳ sẽ oanh tạc trả đủa. Sau đó, Tổng Thống Johnson chuẩn bị viết bài diễn văn để đọc trên đài truyền hình vào buổi tối.
2. Tổng Thống Johnson gấp rút hành động
Một trong những lý do khiến Tổng Thống Johnson muốn hành động gấp rút mặc dù tin tức từ vịnh Bắc Việt chưa được phối kiểm chính xác vì lúc đó đã gần tới ngày bầu cử. Tổng Thống Johnson cần chứng tỏ uy tín trước quốc dân rằng ông là người biết đưa ra những quyết định đúng mức và đúng lúc. Ðây cũng là một dịp tốt để ông Johnson gián tiếp trả lời những thách thức của đối thủ là Thượng Nghị Sĩ diều hâu Barry Goldwater và phe cực hữu của đảng Cộng Hòa. Trước đây, vào sáng ngày 4 tháng 8, giới chức ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cùng các đại sứ ngoại quốc về các biến chuyển tại vịnh Bắc Việt và yêu cầu họ chuẩn bị để tiếp nhận thêm những tin tức mới.

Ðúng 10 giờ 43 tối (giờ Hoa Thịnh Ðốn tức 10 giờ 43 sáng ngày 5 tháng 8 tại vịnh Bắc Việt), các phản lực cơ đầu tiên được phóng đi từ mẫu hạm Ticonderoga lên đường oanh tạc Bắc Việt. Mẫu hạm Constellation lúc đó đang trên đường từ Hồng Kông tới vị trí Yankee sẽ cho phi cơ cất cánh phi sau. Vào lúc 11 giờ 37 tối, Tổng Thống Johnson lên đài truyền hình toàn quốc để thông báo cùng dân chúng Hoa Kỳ việc "Các chiến hạm Hoa Kỳ đã vô cớ bị ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công" và "Lực lượng Hoa Kỳ không những sẽ tự bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mà còn trả đủa đích đáng. Cuộc trả đủa này đã bắt đầu, vì vậy tôi cần thông báo với toàn thể quốc dân đồng bào đêm nay".
3. Cuộc oanh tạc trả đủa Pierce Arrow
Tuy Tổng Thống Johnson tuyên bố chỉ trả đũa giới hạn, nhưng cuộc oanh tạc được mệnh danh là Pierce Arrow đã bắt đầu bằng một đợt 64 phi xuất nhắm vào các căn cứ tiểu đĩnh và cơ sở tiếp vận của Bắc Việt. Dưới bầu trời u ám và trần mây thấp, 6 phản lực cơ F-8 Crusader từ mẫu hạm Ticonderoga đã oanh tạc căn cứ hải quân Quảng Khê là mục tiêu xa nhất về phía Nam - ngay phía trên vùng phi quân sự - vào lúc 1 giờ 15 chiều ngày 5 tháng 8 giờ Việt Nam (lúc đó là 1 giờ 15 sáng giờ Hoa Thịnh Ðốn). Mười phút sau, một toán phi cơ khác cũng thuộc mẫu hạm Ticonderoga tấn công căn cứ hải quân Phúc Lợi xa hơn về phía Bắc. Toán phi cơ này cũng bắn phá kho nhiên liệu tại thành phố Vinh, phá hủy 8 bồn dầu và gây nhiều đám cháy với khói đen bốc cao nhiều ngàn bộ. Ba tiếng đồng hồ sau, 14 phi cơ trở lại oanh tạc cùng mục tiêu, phá hủy thêm 2 bồn dầu nữa.

Trong khi đó, các phi cơ từ mẫu hạm Constellation cũng bắt đầu tham chiến. Vào hồi 3 giờ 45 chiều, 10 phi cơ A-4 Skyhawk, 2 phi cơ F-4 Phantom và 4 phi cơ A-1 Skyraider thả bom, bắn phá cầu tầu và các tiểu đĩnh Bắc Việt tại căn cứ Hòn Gay nằm về phía Bắc Hải Phòng. Toán phi cơ này gặp phải hỏa lực phòng không dữ dội. Các ổ đại bác 37 ly và 57 ly đặt bố trí trên một ngọn đồi trông xuống cảng Hòn Gay. Xa hơn về phía Nam, một đợt phi cơ nữa cũng thuộc mẫu hạm Constellation tấn công căn cứ tiểu đĩnh tại vùng cửa Lạch Chao (Sầm Sơn).
4. Alvarez, phi công đầu tiên của Hoa Kỳ bị CSBV bắt giữ

Tổng cộng, các phi cơ trong cuộc oanh tạc Pierce Arrow đã dánh chìm hơn phân nửa (25 chiếc) số tiểu đĩnh và tiêu hủy khoảng 10% số nhiên liệu dự trữ của Bắc Việt. Về phía Hoa Kỳ, có 2 phi cơ bị bắn hạ và 2 chiếc khác bị hư hại. Chiếc phi cơ Skyraider của Ðại Úy Richard Sathr (Pamona, CA) trúng đạn phòng không tại vùng Lạch Chao, phi công bị chết khi rơi xuống biển. Một phi cơ khác loại Skyhawk bị bắn hạ tại Hòn Gay, phi công là Trung Úy Everett Alvarez (San Jose, CA) nhẩy dù thoát hiểm nhưng bị CSBV bắt làm tù binh. Như vậy, Trung Úy Alvarez là phi công Hoa Kỳ đầu tiên bị CSBV cầm giữ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau đây là lời tường thuật của Trung Úy Alvarez về chuyến công tác của mình:

"Tôi là một trong những phi công đầu tiên được phóng đi từ mẫu hạm Constellation. Mục tiêu của tôi đã được chỉ định sẵn: đó là căn cứ tiểu đĩnh thuộc vùng mỏ than Hòn Gay nằm về hướng đông bắc của Hà Nội và bắc của cảng Hải Phòng. Phi đội chúng tôi gồm 10 phi cơ hướng về mục tiêu cách xa chừng 400 dậm. Chúng tôi hiện đang thực sự tham chiến! Ðây là điều khó tin nhưng có thật. Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột như một giấc mơ (Ghi chú: lúc đó mẫu hạm Constellation đang nghỉ bến ở Hồng Kông để thủy thủ đoàn tiêu khiển thì đột ngột có lệnh lập tức tơi vịnh Bắc Việt). Tôi cảm thấy hơi run. Khi tới mục tiêu, phi cơ của chúng tôi bay qua để nhận dạng mục tiêu trước (identification pass), sau đó vòng trở lại để bắt đầu oanh kích. Tôi bay rất thấp là là ngọn cây với vận tốc chừng 500 knots. Ðột nhiên, tôi cảm thấy phi cơ không còn điều khiển được nữa: phi cơ đã bị trúng đạn phòng không, bắt đầu bị cháy và rơi xuống đất. Biết chắc rằng nếu còn ở lại trên phi cơ sẽ không thể nào sống được nên tôi bấm dù đào thoát. May mắn thay, dù mở và tôi không bị vướng vào những mỏm đá lởm chởm phía dưới."

Dù của Trung Úy Alvarett rơi xuống vùng biển tương đối cạn. Sau đó, anh bị bắt giữ và đưa tới gặp Phạm Văn Ðồng lúc đó đang kinh lý vùng này. Trung Úy Alvarez bất đắc dĩ trở thành nổi tiếng vì là người đầu tiên trong số gần 600 phi công Hoa Kỳ bị CSBV cầm tù. Trung Úy Alvarez sau đó bị giam tại Hỏa Lò Hà Nội, nơi các tù binh Mỹ gọi là Hanoi Hilton. Mãi tới khi thỏa ước ngưng bắn Paris được ký kết hơn 8 năm sau đó, anh Alvarez mới được phóng thích.
5. Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận kế hoạch Johnson
Sau khi ra lệnh oanh tạc trả đũa, Tổng Thống Johnson lập tức yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận kế hoạch "Ðông Nam Á". Thượng Nghị Sĩ Williams Fullbright là người bảo trợ cho kế hoạch. Mặc dầu kế hoạch này cho phép Tổng Thống Johnson hầu như toàn quyền quyết định việc Hoa Kỳ tham chiến tại Ðông Nam Á, nhưng đại đa số Dân Biểu và Nghị Sĩ Hoa Kỳ vẫn tán đồng. Chỉ có Nghị Sĩ Wayne Morse của tiểu bang Oregon, người đã từng thuộc đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, yêu cầu được biết thêm chi tiết. Trước đây, khi nghe phong phanh về các cuộc hành quân biệt hải trong kế hoạch OPLAN 34-A, Nghị Sĩ Morse đã chất vấn ngoại Trưởng Dean Rusk và Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara về sự liên hệ giữa các chiến hạm Hoa Kỳ và các cuộc hành quân Biệt Hải này. Ông McNamara trả lời rõ ràng:"Nếu thực sự đã có những cuộc hành quân biệt hải của Nam Việt Nam thì Hải Quân Hoa Kỳ hoàn toàn không tham dự, dính líu hoặc hay biết gì về các hoạt động đó. Và đây là sự thực."

Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện tranh luận khoảng 1 giờ 40 phút tranh luận rồi bỏ phiếu với kết quả hầu như mọi người đều chấp thuận, chỉ có Nghị Sĩ Morse phản đối. Tuy kế hoạch "Ðông Nam Á" đã được Ủy Ban Ngoại Giao thông qua, nhưng sáng hôm sau, cuộc tranh luận còn tiếp tục. Nghị Sĩ Morse vẫn muốn biết sự thật về kế hoạch OPLAN-34A và Nghị Sĩ Daniel Brewster của tiểu bang Maryland chất vấn Nghị Sĩ Fullbright xem Tổng Thống Johnson có được quyền "đổ bộ một số lớn quân Mỹ lên Việt Nam và Trung Hoa" hay không. Nghị Sĩ Fullbright trả lới:"Tôi không thấy điều này được ghi rõ nhưng bản kế hoạch không ngăn cấm chuyện đó".

Khi cuộc tranh luận kết thúc, Nghị Sĩ Ernest Gruening của tiểu bang Alaska phản đối bản kế hoạch, cho rằng:"Ðây là một bản tuyên chiến được ký sẵn". Còn Nghị Sĩ Morse tuyên bố:"Tôi tin rằng lịch sử sẽ phê phán chúng ta đang phạm một lỗi lầm trọng đại, vì chúng ta đã vi hiến khi cho phép Tổng Thống Johnson được quyền tham chiến tại Ðông Nam Á mà không cần tuyên chiến. Ðây là một sai lầm lịch sử". Vào ngày 7 tháng 8 năm 1965, chỉ có Nghị Sĩ Morse và Gruening phản đối, Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với tỉ số 88-2 chấp thuận cho "Tổng Thống, với quyền lực của Tổng Tư Lệnh quân đội, được toàn quyền quyết định để bẻ gẫy mọi cuộc tấn công vào quân lực Hoa Kỳ và ngăn chận những hành động thù nghịch trong tương lai". Sau đó không lâu, Hạ Viện Hoa Kỳ cũng chấp thuận kế hoạch của Tổng Thống Johnson với tỉ số 416-0.
XI. Nhận xét và Bình Luận
1. Khả năng tác chiến của Hải Quân Hoa Kỳ
Trong trận đánh "thật" vào ngày 2 tháng 8, lực lượng Hoa Kỳ gồm KTH Maddox và 6 phi cơ thuộc mẫu hạm Ticonderoga. Phía Bắc Việt gồm 3 ngư lôi đĩnh loại P-4 thuộc Phân Ðội 3.

Kể riêng về hỏa lực chiến hạm, KTH Maddox có 6 đại bác 127 ly với tầm xa khoảng 20 cây số, do radar điều khiển, đó là chưa kể một số hải pháo cỡ nhỏ hơn như 76 ly, 40 ly và 20 ly đa số được dùng trong việc phòng không nhưng cũng rất hữu hiệu đối với những mục tiêu ngắn tầm trên mặt biển. Các ngư lôi đĩnh Bắc Việt chỉ được trang bị đại liên 14.5 ly tầm xa không quá 2 cây số và ngư lôi. Sau khi các ngư lôi đã được phóng đi, hỏa lực của tiểu đĩnh Bắc Việt không thấm thía gì so với các khẩu hải pháo trên chiến hạm Maddox.

Ngoài ra, với ưu thế tuyệt đối về radar, KTH Maddox có thể "nhìn thấy" các tiểu đĩnh Bắc Việt từ lâu trước khi vào tầm hải pháo. Hơn nữa, các radar hải pháo của KTH Maddox với khả năng tự động "khóa" vào mục tiêu nên có thể tác xạ rất chính xác. Vì vậy, nếu khả năng tác chiến của KTH Maddox chỉ ở mức trung bình, cả 3 ngư lôi đĩnh của Bắc Việt đã bị bắn chìm từ lâu trước khi chúng tới gần để phóng ngư lôi hay bắn trúng một viên đại liên vào chiến hạm Maddox.

Trong trận hải chiến, chiến hạm Maddox không bắn chìm được mục tiêu vì không có một viên đạn 127 ly nào bắn trúng đích. Cả 3 tiểu đĩnh Bắc Việt đều bị hư hại vì miểng của những viên đạn nổ gần dưới nước. Trận đánh xảy ra giữa ban ngày, có lúc trong tầm ngắn, đôi bên chỉ cách nhau chừng một vài cây số. Do đó, chúng ta có thể nói khả năng tác chiến của KTH Maddox dưới mức trung bình. Hải quân Hoa Kỳ viện lý do thủy thủ đoàn thiếu hụt, nhưng với trang cụ và vũ khí tối tân, đúng ra 3 tiểu đĩnh Bắc Việt phải bị bắn chìm.

Kể về phi cơ, Hoa Kỳ có ưu thế tuyệt đối. Bốn phi cơ tự do oanh tạc 3 tiểu đĩnh đã bị hư hại vận chuyển khó khăn, hỏa lực lại coi như không còn gì. Lẽ ra, các tiểu đĩnh Bắc Việt không thể sống sót. Nhưng trong đợt oanh tạc đầu tiên, một phi cơ Hoa Kỳ vì hoảng hốt bốc lên quá mau tự làm hư hại cánh trái. Tất cả các hỏa tiễn Zuni của 3 phi cơ còn lại đều bắn trật mục tiêu. Chỉ cần một hỏa tiễn Zuni bắn trúng đích cũng đủ làm chìm tiểu đĩnh Bắc Việt. Tuy đạn đại bác 20 ly có làm hư hại nhưng vẫn không làm chìn được mục tiêu.

Ngoài sự yếu kém về khả năng tác chiến, lực lượng Hoa Kỳ còn phạm phải lầm lẫn quan trọng trong vấn đề liên lạc truyền tin khiến các tiểu đĩnh địch có cơ hội thoát thân. Ðô Ðốc Robert Moore, Tư Lệnh Hải Ðội Ticonderoga đã gửi thên một phi đội thứ nhì đuổi theo để đánh chìm các tiểu đĩnh các tiểu đĩnh Bắc Việt đang chạy trốn vào bờ. Nhưng trong lúc đó, Ðô Ðốc Johnson, Tư Lệnh Ðệ Thất Hạm Ðội, ra lệnh cho chiến Hạm Maddox không được đuổi theo, để mục tiêu cho phi cơ thanh toán. Nghe được tin này, Ðô Ðốc Moore lầm tưởng Ðô Ðốc Johnson ra lệnh không được đánh chìm các tiểu đĩnh Bắc Việt, vì vậy, các phi cơ được lệnh quay về! Một lần nữa, việc "hiểu lầm" giữa hai vị Ðô Ðốc khiến các tiểu đĩnh Bắc Việt có cơ hội thoát thân.

Tới đây, người viết không thể không liên tưởng tới trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Cộng. Trong trận đánh này, lực lượng tham chiến của đôi bên tương đương, một chọi một, nhưng Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối về chiến hạm trừ bị và phi cơ không yểm. Tuy vậy, Hải Quân VNCH cũng đã bắn chìm và gây thiệt hại cho cả bốn chiến hạm Trung Cộng, trong khi chỉ có 1 chiến hạm VNCH bị chìm. Tuy dè dặt khó có thể nói khả năng và tinh thần chiến đấu của Hải quân VNCH tại Hoàng Sa trội vượt so với Hải Quân Hoa Kỳ trong trận đánh tại vịnh Bắc Việt, nhưng có điều chắc chắn nếu Hạm Trưởng Vũ Hữu San của chiến hạm Trần Khánh Dư HQ - 4 là Hạm Trưởng của KTH Maddox có hỏa lực mạnh và tối tân, chắc chắn các tiểu đĩnh Việt Cộng đã không có cơ hội sống sót.

Nói tóm lại, trong trận hải chiến ngày 2 tháng 8, lực lượng Hoa Kỳ tham chiến, vì lý do này hay lý do khác, đã chiến đấu tầm thường, dưới mức trung bình. Rất có thể đây là phần đầu của "chiến thuật" đánh không cần thắng của Hoa Kỳ, nhưng phần nhiều vì lúc đó Hải Quân Hoa Kỳ lần đầu tham chiến tại Việt Nam nên còn nhiều "trục trặc". Sau này, khi đã hoạt động thường xuyên hơn tại vịnh Bắc Việt, các phi cơ và chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ đã đánh chìm hầu hết các tiểu đĩnh của Hải Quân Việt Cộng, kể cả 3 tiểu đĩnh đã tấn công chiến hạm Maddox.
2. Trận hải chiến tưởng tượng
Tới trận hải chiến "tưởng tượng" vào ngày 4 tháng 8, có rất nhiều điều khó hiểu. Các chiến hạm Hoa Kỳ đã hoảng hốt báo cáo nhiều "Bogeys" và "Skunks" không có thật. Nhiều "contacts" lúc ẩn, lúc đột nhiên hiện ngay sát các chiến hạm như ma. Rồi các chiến hạm vận chuyển hết tốc độ để tránh trên 20 trái ngư lôi không biết từ đâu phóng ra. Các báo cáo "ngư lôi" nhiều không thể tưởng tượng nổi, đến nỗi Hạm Trưởng Ogier cuối cùng phát giận không vận chuyển chiến hạm lẩn tránh nữa! Ngoài ra, còn có những tin tức trái ngược, người nói trông thấy tầu địch, người nói thấy đạn nổ khiến mục tiêu bị chìm, kẻ nói thấy tầu địch rọi đèn ... Nhưng những cuộc điều tra sau này đều cho thấy đây chỉ là những điều tưởng tượng.

Sau này vào năm 1965, khi nói về trận đánh ma ngày 4 tháng 8, chính Tổng Thống Johnson xác nhận:"Theo tôi biết, Hải Quân của chúng ta đã bắn vào ... cá voi tại Biển Ðông!" Còn Trung Tá James Stockdale, người phi công đã bay yểm trợ cho chiến hạm Maddox trong cả hai ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8, sau này là ứng cử viên Phó Tổng Thống trong liên danh Ross Perot, tuyên bố: "Tôi là người nhìn thấy rõ nhất những điều đã xảy ra. Vào đêm 4 tháng 8, các KTH của ta đã bắn vào các mục tiêu ma! Không có ngư lôi đĩnh Bắc Việt ... chẳng có gì hết ngoài nước đen và hỏa lực của Hoa Kỳ."

Vì vậy, khi Bộ Trưởng McNamara còn ngây thơ hỏi Võ Nguyên Giáp về trận hải chiến dêm 4 tháng 8 có thật sự xảy ra hay không, họ Võ ung dung trả lời: "Không có, hoàn toàn không có" làm McNamara Bộ Trưởng ngượng ngùng muốn biến khỏi trái đất!
3. Ý đồ của Hoa Kỳ
Cho tới nay, mặc dù đã trên 30 năm trôi qua kể từ khi có những cuộc "đụng độ" giữa các chiến hạm Maddoxvà Turner Joy và các tiểu đĩnh phòng duyên CSBV tại vịnh Bắc Việt, nhiều nghi vấn vẫn còn được đặt ra. Chúng ta không còn nghi ngờ gì về cuộc đụng độ ngày 2 tháng 8 năm 1964 vì có đầy đủ bằng cớ về thiệt hại đôi bên và cả hai phía đề xác nhận. Riêng cuộc đụng độ vào đêm 4 rạng ngày 5 tháng 8 vẫn còn đưa đến nhiều tranh luận. Giới chức thẩm quyền, kể cả Hải Quân Hoa Kỳ cho rằng các ngư lôi đĩnh CSBV đã thật sự tấn công các KTH Maddox và Turner Joy trong khi các chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam tỏ vẻ hoài nghi. Vậy thật ra Hoa Kỳ đã oanh tạc Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964 để trả đũa các hành động thù nghịch hay cố tình gây hấn? Hoa Kỳ có gây hấn không? Vì lý do gì? Ðể tìm hiểu sự thực, chúng ta cần duyệt lại bối cảnh lịch sử tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment