Tàu Trung Quốc rầm rộ ra Biển Đông
Các tàu hải quân, tàu hậu cần và đội tàu cá của Trung Quốc liên tục tiến ra Biển Đông từ đầu tháng 5 để đánh cá cũng như phô trương sức mạnh.
> Ba hạm đội Trung Quốc tề tựu ở Biển Đông
Ngày 6/5, 30 tàu cá Trung Quốc cùng với một tàu cỡ lớn 4.000 tấn và một tàu 1.500 tấn, rời cảng Bạch Mã Tỉnh ở thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam, đến đánh cá tại Biển Đông. Các tàu dự kiến đánh bắt cá trong vòng 40 ngày tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Đây là chuyến đi với đông đảo tàu thuyền cỡ lớn nhất kể từ sau khi 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam tới đánh cá ở Trường Sa hồi tháng 7/2012. Ảnh: Chinanews |
Đến 17h20 ngày 13/5, tàu hậu cần 1.500 tấn Quỳnh Tam Á F8138 thả neo tại 6 độ 01 phút vĩ bắc, 108 độ 48 phút kinh đông. Sau khi di chuyển trong vòng 8 ngày (mất khoảng 173 giờ), với hơn 860 hải lý, đội tàu 32 chiếc của tỉnh Hải Nam đến địa điểm đánh cá ở Trường Sa. Ảnh minh họa: Hinews |
Ngày 18/5, tàu Ngư Chính 311 xuất hiện tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngư Chính 311 nặng 4.000 tấn, vốn là tàu cứu hộ 503 của hạm đội Nam Hải. Nó bắt đầu được cải tạo thành tàu ngư chính cho Cục Ngư chính Nam Hải vào năm 2006. Tàu dài 113,5 m và rộng 15,5 m, được trang bị các thiết bị hiện đại. Đây là tàu ngư chính có trọng lượng lớn nhất và tốc độ nhanh thứ hai trong số các tàu ngư chính của Trung Quốc. Ảnh:Chinanews |
Tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc xâm phạm Trường Sa. Trước diễn biến trên của các tàu Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 9/5 khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Ông tuyên bố mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Chinanews |
Ngoài việc cử đội tàu cá cùng tàu hậu cần và tàu ngư chính hùng hậu đến Trường Sa, Trung Quốc cũng điều một tàu chiến và hai tàu chính phủ xuất hiện tại bãi cạn Second Thomas. Trong ảnh là tàu hộ vệ 053H1G thực hiện bắn đạn thật trên Biển Đông, ở gần vùng biển của Philippines ngày 18/5. Ảnh: Navy.81.cn |
Bãi cạn Second Thomas thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Tên tiếng Việt của nó là Bãi Cỏ Mây, nằm ở phía đông đảo Vành Khăn. Thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi cạn từ giữa thập niên 90. Trong ảnh là đội tàu Trung Quốc tại bãi cạn do Philippines ghi được. Ảnh: GMA |
Đến cuối tháng, hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung hiếm có bao gồm đại diện của cả ba hạm đội trên Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, biên phòng và binh sĩ của Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Ảnh: Huanqiu |
Các hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải của Trung Quốc phân thành hai nhóm xanh và đỏ, tiến hành chiến tranh giả định trên biển. Cuộc tập trận lần này của hải quân Trung Quốc được cho là gửi tín hiệu đến Mỹ và Philippines, sau khi tàu sân bay Mỹ USS Nimitz hiện diện ở Biển Đông trong những ngày qua. Ảnh: Huanqiu |
Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra ngay trước thềm Diễn đàn An ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La, sẽ diễn ra từ ngày 31/5 tới 1/6. Dự kiến, vấn đề duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông sẽ là một nội dung quan trọng tại hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất châu Á quy tụ các quan chức cấp cao nhất về an ninh của 28 quốc gia. Ảnh: Huanqiu |
Video: Ba hạm đội Trung Quốc tập trận trên Biển Đông |
Vũ Hà
No comments:
Post a Comment