Biến cố Vịnh Bắc Bộ 1964
(Bài 6/6)- Trần Ðỗ Cẩm biên khảo
(Austin Texas, mùa Thu 1998)
Email: camtran11@yahoo.com
4. Bối cảnh lịch sử
Tại Việt Nam Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã bị ám sát với sự tiếp tay gián tiếp của Hoa Kỳ. Lý do vì Tổng Thống Diệm đã không đồng ý để Hoa Kỳ can thiệp quá sâu vào nội tình Việt Nam. Lúc đó tướng Nguyễn Khánh đang cầm quyền sau cuộc chỉnh lý ngày 29 tháng 1 năm 1964. Tuy tướng Big Minh vẫn ngồi ghế Quốc Trưởng nhưng đây chỉ là chức vụ bù nhìn vì quyền hành đếu nằm trong tay tướng Khánh, tướng Khiêm và Ðỗ Mậu. Các tướng đã từng tham gia cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm như tướng Kim, tướng Ðôn, tướng Xuân v.v... đều bị quản thúc tại gia vì tội muốn bắt tay với chính phủ De Gaule của Pháp để trung lập hóa miền Nam.
Vào tháng 6-1964, bốn "tướng Ðà Lạt" là Kim, Ðôn, Xuân, Ðính đều bị ra tòa án quân sự. Tình hình quân sự tại miền Nam càng thêm suy thoái vì sau mỗi lần đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng ... Cộng quân lại có thêm cơ hội dành dân, lấn đất. Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Henry Cabot Lodge, Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson và giới chức quân sự Hoa Kỳ tin rằng muốn dẹp hẳn Cộng Sản tại miền Nam, cần phải đập tan đầu não của chúng tại miền Bắc. Ngoài ra, nếu giải pháp trung lập do chính phủ Pháp khởi xướng được thành tựu, có lẽ ảnh hưởng của ngưới Pháp sẽ dần dần thay thế quyền lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vì vậy, Hoa Kỳ không còn cách nào hơn phải ủng hộ tướng Khánh lúc đó cũng đang hô hào "Bắc Tiến". Muốn đánh vào Bắc Việt, Hoa Kỳ cần tìm lý do "chính đáng" để thuyết phục Quốc Hội, dễ ăn nói với dân chúng cũng như dư luận quốc tế. Và lý do đó là biến cố vịnh Bắc Việt.
Tại Hoa Kỳ trước đó không lâu cũng đã xảy ra một biến cố chính trị lớn, đó là vụ Tổng Thống Kennedy bị ám sát tại Dallas đưa đến việc Phó Tổng Thống Johnson kế vị chức Tổng Thống. Tân Tổng Thống Johnson muốn chứng tỏ là vị nguyên thủ xứng đáng nên có ý định "làm mạnh" tại Việt Nam để lấy uy tín. Tổng Thống Johnson cho rằng việc lật đổ Tổng Thống Diệm là một điều thất sách, nhưng đây là chuyện đã rồi, chỉ còn cách gia tăng áp lực với Bắc Việt để đạt được các mục tiêu quân sự và chính trị tại miền Nam. Việc "gia tăng áp lực" này cũng cần có một lý do để giải thích với quan thầy của Việt Cộng là Nga Sô và Trung Cộng.
5. Các nghi vấn
Trở lại các cuộc "đụng độ" ngoài khơi vịnh Bắc Việt, chúng ta còn nhớ, theo báo cáo của Hải Quân Hoa Kỳ, các ngư lôi đĩnh CSBV lần đầu tiên tấn công KTH Maddox ngoài khơi Thanh Hóa vào ngày 2/8/64. Sau đó, vào ngày 4 tháng 8, hai chiến hạm Maddox và Turner Joy lại bị tấn công xa hơn về phía Nam, ngoài khơi thành phố Vinh. Các cuộc tấn công này cũng trùng hợp với những cuộc hành quân biệt hải mang bí danh OPLAN 34-A của Hải Quân VNCH vào các hải đảo và vùng duyên hải Bắc Việt. Vậy hoạt động của chiến hạm Hoa Kỳ có liên quan tới các cuộc hành quân biệt hải không?
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ McNamara từng tuyên bố:"Các chiến hạm Hoa Kỳ không hề dính lứu gì đến các cuộc hành quân biệt hải cũng như hoạt động mật của Hải Quân VNCH". Ðây chỉ là một xảo thuật chính trị nếu không muốn gọi là "nói dối". Thật ra OPLAN 34-A là con đẻ của CIA và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nên chắc chắn McNamara không những biết rõ mà còn là một trong những nhân vật quyết định. Tuy thủy thủ đoàn được tuyển lựa từ Hải Quân Việt Nam nhưng các chiến đĩnh PTF thuộc Lực Lượng Hải Tuần đều do Hoa Kỳ cung cấp và hệ thống yểm trợ, tiếp vận cũng do Hoa Kỳ đảm trách. Về phương diện hành quân, mỗi chuyến công tác vượt vĩ tuyến 17 đều hoàn toàn do thủy thủ đoàn Việt Nam đảm trách, không hề có nhân viên Hoa Kỳ đi theo. Việc hoạt động phối hợp với các chiến hạm Hoa Kỳ ngoài khơi vịnh Bắc Việt tuy không trực tiếp nhưng đôi bên đều biết các hoạt động của nhau để tránh ngộ nhận và hỗ tương yểm trợ khi cần. Tác giả đã phục vụ trên các PTF trong thới gian 5 năm nên biết rất rõ điều này.
Theo kế hoạch OPLAN 34-A được soạn thảo từ năm 1964 Lực Lượng Hải Tuần được thành lập tại Ðà Nẵng để đảm nhiệm những công tác biệt hải trong vùng vịnh Bắc Việt. Các chiến đĩnh và chiến cụ đều do Hoa Kỳ cung cấp nhưng thủy thủ đoàn hoàn toàn là Việt Nam được tuyển lựa trong số những nhân viên ưu tú thuộc Hải Quân VNCH với tư cách tình nguyện và phải ký giao kèo mỗi sáu tháng. Các chiến đĩnh thuộc LLHT đều là những loại đặc biệt như PTF đóng tại Na Uy có vận tốc tối đa trên 50 knots hay Swift với vận tốc chừng 30 knots. LLHT thường xâm nhập hải phận miền Bắc vào ban đêm để thả các toán Biệt Hải xâm nhập, phá hoại, bắn phá các cơ sở phòng thủ duyên hải, bắt cóc các công an duyên phòng, thả truyền đơn hoặc tiếp xúc với dân chúng để thu thập tin tức tình bào. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về Lực Lượng Hải Tuần và các toán Biệt Hải khi hoàn cảnh cho phép.
Như trên đã nói, các hoạt động của LLHT đều nằm trong kế hoạch OPLAN 34-A của Hoa Kỳ nên dĩ nhiên các chiến đĩnh Biệt Hải phối hợp chặt chẽ với các chiến hạm Hoa Kỳ có mặt trong vùng. Nhiều cuộc thực tập vận chuyển ban đêm thường được tổ chức để làm quen và nhận dạng. Trong nhiều chuyến công tác, các chiến đĩnh LLHT đóng vai chim mồi, giả bộ tiến gần vào bờ biển Bắc Việt khiến các giàn radar và hải pháo phòng duyên địch bắt buộc phải lộ diện để phi cơ Hoa Kỳ oanh kích. Cũng có lúc các chiến đĩnh LLHT chạy thật chậm trước các căn cứ hải quân Bắc Việt để dụ các tiểu đĩnh CS rời nơi ẩn núp đuổi theo. Lúc đó, các chiến đĩnh của ta tăng tốc độ giữ một khoảng cách an toàn ngoài tầm hải pháo địch. Khi các tiểu đĩnh CS bị dụ xa ra ngoài khơi, ngoài tầm hoạt động của những ổ súng phòng không, các phi cơ Hải Quân Hoa Kỳ phục sẵn trên mây sẽ bất thần nhào xuống làm thịt các con mồi.
Nhưng ngoại trừ trong các cuộc hành quân phối hợp đặc biệt, các chiến đĩnh LLHT thường hoạt động biệt lập, không trực tiếp liên quan với các chiến hạm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì cùng hoạt động trong vùng Vịnh Bắc Việt, đôi bên đều có thể nhận dạng nhau bằng radar hải thám và liên lạc âm thoại để yểm trợ nhau khi cần. Thí dụ như đôi khi LLHT đảm nhiệm thêm công tác tìm kiếm phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi hay mất tích ngoài biển, trong khi các chiến hạm Hoa Kỳ trợ giúp các PTF hay Swift bị hỏng máy hay bị hư hại.
Vì những liên hệ trực tiếp hay gián tiếp nêu trên, sự có mặt của KTH Maddox ngoài khơi Thanh Hóa vào ngày 2 tháng 8 năm 1964 không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên như Hoa Kỳ đã công bố. Trước đó 2 ngày, vào rạng sáng 31 tháng 7, các chiến đĩnh của LLHT đã bắn phá hải đảo Hòn Mê chỉ cách bờ biển Thanh Hóa chừng 30 hải lý về phía Ðông Nam. Sau khi bị tấn công, đương nhiên CSBV phải gia tăng phòng thủ bằng cách phái các tiểu đĩnh tuần tiễu vùng ven biển và các hải đảo. Các công điện điều động tiểu đĩnh phòng quyên của địch do toán kiểm thính trên chiến hạm Maddox bắt được chứng tỏ điều này. Ðến chiều ngày 2 tháng 8, khi KTH Maddox bị các tiểu đĩnh CS tấn công gần bờ biển Thanh Hóa, điều này cũng dễ hiểu vì lực lượng duyên phòng lầm tưởng chiến hạm này là một thành phần của lực lượng tấn công cùng với LLHT đã bắn phá Hòn Mê mấy đêm về trước.
Cuộc tấn công này thực sự đã xảy ra bị đôi bên tham chiến giữa ban ngày và chiến hạm Maddox bị trúng một viên đạn dưới chân đài kiểm xạ . Hơn nữa, các phi cơ từ mẫu hạm Ticonderoga tới trợ chiến cũng đã tìm thấy mục tiêu và dùng hỏa tiễn Zuni cùng với đại bác 20 ly bắn hư hại nhiều tiểu đĩnh CS. Mới đây nhất, chính CSBV cũng xác nhận chúng đã tấn công. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy phía CSBV cũng đã lầm lẫn vì họ tưởng mục tiêu chỉ là những chiến đĩnh của LLHT với hỏa lực tương đương.
Vào năm 1964, hệ thống radar phòng duyên của Bắc Việt hãy còn thô sơ và không đủ vị trí để có thể theo dõi bao trùm vùng duyên hải. Ða số các phát hiện đều do sự quan sát bằng mắt thường. Bằng cớ là lúc đó, các chiến đĩnh LLHT hoạt động ban đêm như vào chỗ không người, chỉ khi nào vào sát bờ bắn phá hay hoạt động giữa ban ngày mới bị phát hiện. Vì vậy, nếu biết chắc mục tiêu là một Khu Trục Hạm Hoa Kỳ với phi cơ yểm trợ, chắc chắn mấy tiểu đĩnh lỗi thời thuộc loại phế thải của Bắc Việt đã không giám mở cuộc tấn công, nhất là giữa thanh thiên bạch nhật, không có hải pháo phòng duyên và phi cơ yểm trợ. Khi đã ra tới biển, chạm trán với đối thủ có hỏa lực mạnh hơn thì chuyện đã rồi, không thể bỏ chạy. Tuy các tiểu đĩnh CS có lợi thế hơn về tốc độ, nhưng tầm hải pháo lớn nhất 37 ly (trên tiểu đĩnh loại Swatow) và 14.5 ly của họ chỉ bằng 1 phần 5 so với tầm đại bác 127 ly trên chiến hạm Maddox. Hơn nữa, giàn radar của chiến hạm Hoa Kỳ cũng nhìn được xa hơn rất nhiều nên trước khi các tiểu đĩnh CS vào được tầm phóng ngư lôi hoặc đại bác 37 ly, chúng đã bị 6 khẩu hải pháo có radar điều khiển trên chiến hạm Maddox bắn hư hại từ lâu rồi. Ngoài ra, phía Hoa Kỳ còn có phi cơ yểm trợ, phần bất lợi lại càng nghiêng về phía CSBV. Hơn nữa, chiến thuật của các tầu phóng ngư lôi thường dùng là "bất ngờ đánh trộm" nên chỉ có lợi thế khi phục kích và tấn công vào ban đêm. Thông thường, các như lôi đĩnh ẩn trốn gần các đảo nhỏ khiến radar của chiến hạm không dò thấy. Khi con mồi tới gần, các tiểu đĩnh mở hết tốc độ lao thẳng vào mục tiêu và phóng ngư lôi từ nhiều hướng rồi bỏ chạy. Chúng ta có thể đoan quyết rằng, nếu cần phải đụng độ với chiến hạm Hoa Kỳ, chắc chắn các tiểu đĩnh CS sẽ tấn công vào ban đêm thay vì lúc ban ngày.
6. Trận đánh ma
Nhưng nếu càng chắc chắn bao nhiêu về trận đánh ngày 2 tháng 8 thì mọi người lại càng hoài nghi về cuộc đụng độ hai hôm sau đó, vào ngày 4 tháng 8. Lúc đó, chiến hạm Maddox đã được Khu Trục Hạm Turner Joy tăng cường, nghĩa là lực lượng Hoa Kỳ mạnh gấp đôi và dĩ nhiên đề phòng cẩn thận hơn. Trận hải chiến "ma" này được phía Hoa Kỳ mô tả như một cuộc "dạ chiến" dưới bầu trời đen kịt đày mưa giông và gió lớn. Ðại Tá Herrick, Chỉ Huy Trưởng Phân Ðoàn Ðặc Nhiệm 72.1 (Phân đội 1 "Maddock và Turner Joy" thuộc Hải Ðội 2 "mẫu hạm Ticonderoga" nằm trong Hạm Ðội 7) sau này cho biết về tình trạng thời tiết đêm đó như sau:"Trời tối đen không trăng sao, thỉnh thoảng có vài tia chớp". Vì thời tiết xấu và trần mây thấp, radar thường phát hiện những hồi ba giả (false echo) vì luồng sóng điện từ phát ra dội vào lớp mây trở về máy thu. Ngoài ra, vì biển động, các chiến hạm lại vận chuyển với vận tốc cao nên những luồng siêu âm do máy sonar (dùng để dò tầu ngầm hay nghe tiếng động của tầu ngầm hoặc thủy lôi) phát ra cũng dễ bị nhiễu loạn.
Sau đây là tóm tắt các nghi vấn chính ghi nhận được trong trận "dạ chiến":
a. Các hồi ba trên màn ảnh radar lúc ẩn lúc hiện, không rõ ràng. Có lúc đột nhiên "hiện" ra sát chiến hạm rồi lại biến mất. Radar hải pháo cũng không "khóa" được mục tiêu vì hồi ba không rõ.
b. Chuyên viên sonar của chiến hạm Maddox báo cáo phát hiện tiếng chân vịt xoáy nước của tổng cộng 26 quả ngư lôi, trong lúc KTH Turner Joy không phát hiện được gì. Chúng ta cũng nên nhớ, mỗi tiểu đĩnh CS chỉ mang được 2 quả thủy lôi. Như vậy nếu báo cáo của KTH Maddox là chính xác, lực lượng tấn công của Bắc Việt phải có ít nhất 11 tiểu đĩnh và tất cả đã phóng hết ngư lôi.
c. Không có người nào trên các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực sự nhìn thấy các tiểu đĩnh BV bằng mắt thường hay ống nhòm. Nên nhớ, khi phóng ngư lôi, các tiểu đĩnh phải vào rất gần mục tiêu.
d. Phi cơ bao vùng từ mẫu hạm Ticonderoga bay cách mặt biển chừng 1000 feet cũng không tìm ra các tiểu đĩnh, mặc dù khi vận chuyển với vận tốc cao, các tiểu đĩnh này để lại những luồng sóng rất lớn và sáng như lân tinh phía sau lái, rất dễ nhận từ trên cao.
Chúng ta không lấy làm lạ nếu thủy thủ đoàn chiến hạm Maddox luôn luôn ở trong trạng thái lo âu và hồi hộp vì đã thật sự bị tấn công mấy ngày truớc. Chính Hải Ðội Trưởng Herrick lúc nào cũng "yên trí" sẽ bị tấn công lần nữa. Vì vậy, khi nghe trung tâm chiến báo (CIC - Combat Information Center) loan tin radar ghi nhận nhiều hồi ba lạ cách 36 hải lý, tinh thần mọi người đều căng thẳng nên đưa đến ngộ nhận. Qua các sự kiện nêu trên, nhất là việc nghe thấy tiếng chân vịt của trên 20 quả ngư lôi, chắc chắn đây chỉ là một trận đánh ma, không có địch thủ.
7. Kết luận
Tóm lại, trận đánh ngày 4 tháng 8 đã không xảy ra hay chỉ xảy ra trong "kế hoạch" hay trí tưởng tượng của các giới chức quân sự Hoa Kỳ. Rất có thể, đây là một sự sắp đặt để Hoa Kỳ có thêm lý do tấn công "trả đũa" Bắc Việt, vì tuy là một trận đánh ma nhưng Bắc Việt đã bị oanh tạc thật. Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson đã ra lệnh cho Hải Không Quân Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt qua chiến dịch Pierce Arrow.
Daniel Ellsberg, một nhân viên cao cấp trong chính phủ Johnson sau này khi được hỏi về việc chính phủ có dụng tâm lừa dối Quốc Hội hay không, cũng tuyên bố:" McNamara có nói dối trước Quốc Hội vào năm 1964 không? Tôi có thể trả lời câu hỏi này. Có, tôi biết ông ta đã nói dối. Lúc đó tôi làm việc cho John McNaughton là Thứ Trưởng Quốc Phòng đặc tráng An Ninh Nội Vụ. McNaughton biết McNamara đã nói dối. McNamara biết ông ta đã nói dối và tới bây giờ vẫn tiếp tục nói dối. Ngoại Trưởng Dean Rusk và McNamara tường trình trước Quốc Hội trước khi biểu quyết. Họ đã lừa dối trước Quốc Hội. Tôi biết rõ như vậy. Bây giờ nhìn lại những sự kiện đó, tôi không hãnh diện chút nào". Phụ tá Ngoại Trưởng George Ball cũng trả lời trong cuộc phỏng vấn của đài BBC vào năm 1977 như sau:" Nhiều người liên quan tới cuộc chiến lúc đó tìm lý do để oanh tạc. Mục đích của cuộc tuần tiễu DeSoto là để khiêu khích Bắc Việt. Mọi người tin rằng nếu bị tấn công, chiến hạm Hoa Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ khiêu khích." Riêng Daniel Ellsberg trong cuộc hội thảo do Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam tổ chức vào tháng 11 năm 1995 cũng chỉ trích thêm:" Vào mùa hè năm 1964 đã có kế hoạch sắp sẵn để hướng dư luận quần chúng ủng hộ chiến tranh và giúp Tổng Thống Johnson đắc cử bằng thủ đoạn lừa bịp ... Vào năm 1971, Nghị Sĩ Morse, một trong 2 người phản đối Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt bảo tôi: Nếu tôi cung cấp cho ông ta đầy đủ tin tức, chắc chắn không có nghị quyết này, và nếu có cũng không được Quốc Hội chấp thuận".
Do dó, nếu nói rằng biến cố vịnh Bắc Việt là đàu mối đưa đến việc quân đội Hoa Kỳ phải tham chiến tại Việt Nam cũng chưa hẳn đúng. Vì nếu không có biến cố này, sớm muộn Hoa Kỳ cũng sẽ tìm một lý do khác - rất có thể là biến cố vịnh Thái Lan chẳng hạn - để đạt được mục đích. Nhiều nhân viên chính phủ cho biết "Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt" là một bản văn đã soạn sẵn từ mấy năm trước!
Nhưng không hẳn chỉ vì sự sống còn của miền Nam Việt Nam mà Hoa Kỳ đã gây hấn với Bắc Việt. Ngoài những lý do liên quan tới sách lược toàn cầu và quyền lợi của siêu cường quốc tế, Tổng Thống Johnson mới nhậm chức của Hoa Kỳ cũng cần tạo thêm uy tín. Khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Phó Tổng Thống Johnson kế nhiệm theo hiến pháp. Tuy đã làm Tổng Thống, nhưng Johnson còn nặng mang hai mặc cảm lớn: một là mới được "thừa kế" chứ chưa phải do dân bầu lên. Hai là dân chúng Hoa Kỳ, nhất là tại các tiểu bang "Yankee" miền Bắc thường coi nhẹ Johnson như một anh cowboy ít học, nóng nảy và không lịch lãm như Kennedy.
Do đó, dù không thực lòng muốn mở rộng chiến tranh tại Việt Nam vì ngại đụng chạm với Trung Cộng, nhưng với quyết định nhanh chóng trả đủa Bắc Việt, Johnson đã chận đứng được những chỉ trích của hai đối thủ lợi hại đang lăm le tranh chức Tổng Thống nhiệm kỳ tới là George McGovern và con diều hâu mạnh miệng Barry Goldwater. Ngoài ra, Johnson cũng được tiếng là người cứng rắn nhưng sáng suốt biết đưa ra những quyết định đúng mức và đúng lúc. Kết quả là chỉ ít lâu sau khi ra lệnh oanh tạc Bắc Việt, uy tín của Tổng Thống Johnson vọt cao khi tuyệt đại đa số lưỡng viện Quốc Hội và 85% dân chúng Hoa Kỳ nồng nhiệt ủng hộ quyết định trả đủa của Tổng Thống. Chỉ ít lâu sau đó, đảng Dân Chủ đề cử Johnson làm ứng cử viên Tổng Thống và ông đã đắc cử với số phiếu rất cao.
Một điểm đặc biệt đáng ghi là chỉ gần đây, Việt Cộng mới lên tiếng xác nhận đã tấn công chiến hạm Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 8, nhưng trận đánh trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 8 chỉ do Hoa Kỳ bịa đặt để lấy cớ oanh tạc Bắc Việt vào ngày 5 tháng 8. Nhưng trước đó, khi cuộc chiến tại Việt Nam còn tiếp diễn, chính Việt Cộng cũng lại gián tiếp "phụ giúp" Hoa Kỳ trong việc "nói dối". Lúc đó, bộ máy tuyên truyền lừa bịp của Việt Cộng không những đã xác nhận các tiểu đĩnh của chúng đã đánh đuổi chiến hạm Mỹ xâm lược vào các ngày 4 và 5 tháng 8, mà Hải Quân của chúng còn chọn ngày này là ngày kỷ niệm "Truyền Thống".
Tưởng cũng cần nói thêm, Bắc Việt rêu rao Hải Quân của họ đã đánh chìm 353 tầu bè Hoa Kỳ. Chúng ta biết rõ cả Hải Quân Việt Cộng chỉ có không quá 60 quả ngư lôi. Như vậy tất cả những ngư lôi này đều phóng trúng đích và mỗi quả đánh chìm trung bình 6 tầu bè đế quốc Mỹ xâm lược! Thật đúng là "kẻ cắp nói dối" gặp "bà già nói láo"! Vì vậy, ta có thể nói: nếu cho rằng biến cố vịnh Bắc Việt là do Hoa Kỳ đạo diễn thì Hải Quân Việt Cộng cũng đóng vai trò quan trọng trong đó.
Biến cố vịnh Bắc Việt tuy xảy ra cách đây đã trên 30 năm, nhưng ảnh hưởng vẫn còn đè nặng trên vận mạng của người Việt Nam thuộc cả hai miền Nam, Bắc. Hàng triệu người đã trở thành các oan hồn thảm tử trên các chiến trường. Biết bao gia đình ly tán. Việt Cộng thôn tính Miền Nam đã biến Việt Nam thành một trong những quốc gia nghèo đói, lạc hậu nhất thế giới. Chính sách cai trị ngu dân và sắt máu với các trại tù tập trung đã giết oan hàng trăm ngàn tinh hoa của dân tộc. Gần hai triệu người sống lưu vong nơi hải ngoại. Hàng trăm ngàn người khác bỏ mạng trên rừng, ngoài biển trên đường vượt biên vì không thể sống với Cộng Sản. Việt Cộng trước đây rêu rao chiêu bài "Chống Mỹ cứu nước" thì nay lại "đổi mới" hô hào "Lạy Mỹ cứu nước". Muốn dân giàu nước mạnh, chúng ta cần phải tự lập, không được ỷ lại vào người ngoài. Dù Cộng Sản hay Tư Bản, ngoại bang chỉ lo cho quyền lợi của họ và chỉ dùng các nước nhược tiểu như một con chốt thí.
(Hết)
No comments:
Post a Comment