Friday, September 6, 2013

Một ngày trên hàng không mẫu hạm CVN77

Một ngày trên hàng không mẫu hạm CVN77

Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-09-06
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Was7537778-305.jpg
Một máy bay không người lái X-47B đậu trên tàu sân bay USS George HW Bush (CVN-77) hôm 14/3/2013.
AFP photo

Tổng thống George H. W. Bush mà người Việt hay gọi theo cách thân mật “Tổng thống Bush Cha” được chọn đặt tên cho hàng không mẫu hạm thứ 10 của Hoa Kỳ nhằm vinh danh vị Tổng thống thứ 41 đã từng phục vụ trong Hải quân thời Đệ nhị Thế chiến.
Dự án Hàng không mẫu hạm CVN 77 bắt đầu khởi công vào năm 2003, hoàn thành vào năm 2009 với kinh phí hơn 6 tỉ Mỹ kim, có chiều dài 332,8 mét, bề rộng 76,8 mét, chiều cao của tàu đến 317 mét và nặng 114 ngàn tấn. Hàng không mẫu hạm khổng lồ này chạy bằng năng lượng hạt nhân, có các trang thiết bị kỹ thuật tối tân nhất, trong đó có tòa tháp rada thế hệ mới, hệ thống định vị được nâng cấp và bao gồm cả hệ thống xử lý nước thải chân không.
Hàng không mẫu hạm CVN 77 bắt đầu cuộc hải trình đầu tiên đến vùng biển Đại Tây Dương hồi tháng 5/2011. Cứ mỗi 18 tháng thì tàu sân bay này lại ra khơi  trong hải trình 6 tháng. Mỗi lần xuất hành, các khu trục hạm, tuần dương hạm và chiến hạm nhiều loại đi theo hàng không mẫu hạm chỉ huy để bảo vệ. Thêm vào đó còn có các tàu chở dầu và tàu tiếp vận thực phẩm, nhu yếu phẩm, tàu bệnh viện đi cùng.  Nếu thêm một số tàu ngầm và chiến hạm khác nữa, đoàn tàu sẽ trở thành hạm đội tấn công do hàng không mẫu hạm chỉ huy.
Trong buồng lái, có khoảng 10 người chịu trách nhiệm điều khiển con tàu vĩ đại này. Hạm trưởng ngồi ở ghế hạm trưởng ở góc trái trên tháp chỉ huy. Nếu trong cuộc hải trình có mặt vị Tướng 1 sao thì chiếc ghế này phải dành cho vị Tướng đó, Hạm trưởng sẽ ngồi ghế chỉ huy bên góc phải của phòng chỉ huy. Người quyết định hướng đi và vận tốc cho hàng không mẫu hạm đứng ở vị trí trước các màn hình và ra lệnh cho 2 người khác trực tiếp điều khiển hướng tàu và tốc độ của tàu. Đây là một trong những động tác rất quan trọng để định hướng tàu theo hướng gió, mượn sức gió tạo lực đẩy cho các phản lực cơ cất cánh.
Các phản lực cơ chiến đấu, oanh tạc sẽ được chiếc thang máy khổng lồ nâng từ hầm tàu lên boong tàu để sẵn sàng cất cánh. Các tua-bin phản lực cùng với sức gió tạo thành lực đẩy cho các phản lực cơ cất cánh trên đoạn đường băng rất ngắn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, các phản lực cơ đáp xuống hàng không mẫu hạm qua 3 lần dây cáp giăng ngang. Các dây cáp được móc vào 2 ụ cáp, một trong ba chiếc sẽ móc vào đuôi máy bay để kéo nó dừng lại trên boong. Trong trường hợp phi cơ móc hụt cả 3 dây cáp, không dừng được, thì bắt buộc phải cất cánh lên lại để khỏi rớt xuống biển. Trước khi các phản lực cơ cất cánh và hạ cánh, 1 hàng thủy thủ dàn ngang trên boong tàu để kiểm tra kỹ lưỡng từng vật nhỏ trên đường băng. Nếu có được xem cảnh các phản lực cơ cất cánh và hạ cánh trên hàng không không mẫu hạm trong tích tắc thì chúng ta cũng không thể hình dung nỗi có bao nhiêu người đang cùng nhau làm việc cho công việc cất cánh và hạ cánh chỉ trong vài phút đồng hồ.
Sức chứa tối đa trên boong tàu của hàng không mẫu hạm CVN 77 khoảng 112 phản lực cơ chiến đấu oanh tạc, chưa kể các phi cơ với nhiều nhiệm vụ khác, như tuần thám võ trang, chống tàu ngầm, dọ thám..vân vân.  Thuỷ thủ đoàn của tàu gồm hơn 5 ngàn người cho mỗi cuộc hải trình. Riêng phi đoàn của hàng không mẫu hạm đã chiếm khoảng 2500 sĩ quan chỉ huy, tham mưu và phi công.  Các phi công phải nhớ chính xác vị trí của chiếc máy bay mà họ sẽ lái, trong số hằng trăm máy bay la liệt trên boong, dưới hầm tàu.
Và điều thú vị là 5000 thành viên trên hàng không mẫu hạm phải nhớ được ý nghĩa của mỗi lá cờ được treo. Lá cờ màu xanh dương đậm có hình 1 ngôi sao trắng đồng nghĩa với sự có mặt của vị Tướng 1 sao trên tàu. Hiện giờ, lá cờ đại diện cho Hạm trưởng không phất phới bay, mà đang hạ xuống, cho biết Hạm trưởng không hiện diện trên tàu ngay lúc này. Đó mới chỉ là lá cờ của hạm trưởng trong số hằng chục lá cờ với nhiều ý nghĩa được giăng trên boong tàu.
Trong phái đoàn tham quan tuần dương mẫu hạm có một vài quân nhân gốc Việt. Trước hết, Trung tá Hải quân Tuấn Nguyễn, cho biết vì sao ông gia nhập lực lượng Hải quân cũng như cảm nghĩ trong những chuyến công tác xa nhà trong thời gian dài:
Trong lúc học đại học, cha mẹ có khuyến khích phải đi học hỏi nên tôi có quyết định vào quân đội để có cơ hội đi thămviếng những đất nước khác và để trả lại những gì đất nước này đã cho người Việt Nam tị nạn ở đây để thành đạt. Cha của Tuấn ngày xưa cũng trong quân đội. Tinh thần quân đội của cha mẹ rất cao. Đó cũng là quyết định của Tuấn để điHải quân.
Đời sống Hải quân lúc còn trẻ chưa có gia đình thì rất dễ dàng vì muốn đi đâu thì đi. Tuy nhiên, từ khi có gia đình, vợ con ở nhà, mỗi lúc đi xa thì nhớ nhà. Con cái bắt đầu lớn lên rồi thì cũng khó khăn chút xíu.
Và sau đây là chia sẻ của cựu Trung tá Bộ binh hồi hưu Ross-Cao Nguyên Nguyễn:
Sau 28 năm trong quân đội Mỹ, Cao Nguyên thấy rằng làm việc và phục vụ trong quân đội Mỹ là một trong những niềm hãnh diện đối với cá nhân của Cao Nguyên và cũng là niềm hãnh diện đối với những người Việt ở hải ngoại.
Hy vọng trong thời gian ngắn ngủi khám phá ngôi nhà di động khổng lồ USS George H. W. Bush CVN77, đã gợi nhớ lại những kỷ niệm buồn vui trong các cuộc hải trình của những cựu quân nhân từng phục vụ trong hải quân trước đây. Và đồng thời, qua những lời chia sẻ vừa rồi của những người đã và đang phụ vụ trong quân đội Hoa Kỳ ít nhiều chuyển tải thông điệp đến các bạn thanh niên rằng họ tự hào khi là 1 người lính. Nhân đây, xin phép được thay mặt quý khán thính giả của đài RFA, Hòa Ái xin gởi lời cảm ơn sâu sắc đến quý vị, những người lính can trường, dũng mãnh, gìn giữ cuộc sống bình yên cho mọi người.


No comments:

Post a Comment